Rô-bốt gián, điệp viên tình báo cự phách thời đại mới
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 05:27, 05/03/2015
Được tạo ra bởi các kỹ sư ở Texas, mô hình rô-bốt được gắn vào một con gián sống với một máy tính thu nhỏ nối vào hệ thống thần kinh của con vật. Chỉ với một cú nhấn nút, con người đã có thể điều khiển được loài côn trùng này, hoặc ít nhất là hướng đi của nó.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas A&M, Hong Liang, cho biết rằng rô-bốt gián có thể mang theo máy quay, micro thu nhỏ và các cảm biến khác.
Với những thiết bị này, những con gián hoàn toàn có thể thu thập thông tin từ những nơi mà con người không muốn tự thân đến hoặc không thể đến như: các toà nhà đổ nát, ống cống sụp đổ, hay đơn giản chỉ là bếp ăn chung của sinh viên.
Liang chia sẻ: “Côn trùng có thể làm những thứ mà rô-bốt đơn thuần không thể làm được. Chúng có thể đi tới những nơi nhỏ hẹp, cảm nhận môi trường ở đó và nếu chuyển động bất ngờ, có thể là từ một kẻ thù chẳng hạn, côn trùng có thể chạy trốn nhanh hơn nhiều so với một bộ máy được con người tạo ra. Chúng tôi muốn tìm ra những cách để hợp tác với chúng”.
Nhóm nghiên cứu đã làm ra những cái ba lô siêu nhỏ cho những con gián và dán lên lưng chúng bằng sơn vì keo thường không dính vào được những cái lưng sáng bóng của chúng.
Mỗi ba lô như vậy bao gồm một vi xử lý có thể gửi tín hiệu vào hệ thống dây nối với hệ thần kinh điều khiển chân của các con gián. Tổng trọng lượng của mỗi cái ba lô thu nhỏ như thế là khoảng 3g, tính luôn của trọng lượng của viên pin sạc lithium để cung cấp năng lượng cho thiết bị.
Trong các lần thử nghiệm của mình, các nhà khoa học cho thấy cách họ điều khiển hướng đi của những con gián bằng việc kích thích hệ thống thần kinh ở hai bên thân của con vật.
Bình thường, khi gián di chuyển, ba chân ở mỗi bên của chúng chuyển động cùng một lúc với nhau. Nhưng các xung điện làm gián đoạn sự chuyển động này, khiến cho chân nằm giữa bước khác đi so với hai chân còn lại. Kết quả là xung điện vào chân trái sẽ khiến gián rẽ trái và ngược lại.
Tuy nhiên, hệ thống điều khiển này vẫn chưa hoàn chỉnh. Trong các thí nghiệm khi các rô-bốt gián bị giữ lại bằng những sợi dây mảnh, khả năng điều khiển được chúng đạt khoảng 70%. Nhưng khi thả cho loài côn trùng này chạy tự do thì khả năng điều khiển từ xa chỉ còn lại khoảng 60%.
Làm việc với những con gián đã khiến Liang thay đổi suy nghĩ của mình về loài côn trùng này. Cô cho biết: “Lần đầu tôi nhìn thấy chúng, tóc tôi dựng hết cả lên. Nhưng tôi vẫn giữ vài con lại trong phòng làm việc của mình như thú cưng trong một khoảng thời gian. Chúng nó thật là những sinh vật đáng yêu. Chúng liên tục tự làm sạch mình”. Cô còn chia sẻ món ăn yêu thích của những con gián này là thức ăn dành cho chó ngâm trong nước.
Độ hữu ích của những con rô-bốt gián phụ thuộc vào việc chúng có thể mang trên mình bao nhiêu món đồ. Theo Liang, một vài con gián có thể mang nặng gấp 5 lần trọng lượng cơ thể, nhưng mang càng nặng thì nó càng mau xuống sức.
“Chúng tôi đã thực hiện một bài kiểm tra sức bền và nhận thấy chúng có mệt đi. Chúng tôi đặt gián lên máy chạy trong vòng 1 phút và sau đó cho chúng nghỉ ngơi. Nếu ba lô nhẹ hơn, chúng có thể chạy lâu hơn”.
Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu cách để có thể điều khiển hướng đi của những con gián chuẩn xác hơn. Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu liệu kích thích nhiều chân một lần có thể khiến cho con gián ngừng lại, đi và chạy theo lệnh hay không. Vấn đề đặt ra là chân của những con gián có thể sẽ ngừng phản hồi với xung điện.
Trong năm 1997, Tiến sĩ Isao Shimoyama của trường Đại học Tokyo đã điều khiển được gián bằng cách tác động vào râu của chúng. Các xung điện khiến cho gián nghĩ là nó đụng phải chướng ngại vật và chuyển hướng. Nhưng theo thời gian, biện pháp này không còn tác dụng nữa.
Roy Ritzmann, một nhà nghiên cứu về côn trùng ở Đại học Case Western Reserve bang Ohio, nói rằng nếu có thể kiểm soát được gián trong thời gian dài, chúng có thể đem lại lợi ích. Ông cho biết: “Chắc chắn sẽ có những con gián đủ to và đủ khoẻ để mang nhiều thiết bị phục vụ mục đích thông tin tình báo”.
Dù vậy, Sethu Vijayakumar, Viện trường Viên nghiên cứu về Nhận thức, Hành động và Hành vi ở trường Đại học Edinburgh, lại dè dặt về nghiên cứu này. Ông cho biết: “Mặc dù nghiên cứu công nghệ rất là thú vị, còn rất nhiều vấn đề về đạo đức phải được xét đến trước khi chúng ta thực hiện nghiên cứu, cho dù là với những con gián. Bất kể khi nào bạn nghiên cứu trên một thực thể sinh học, bạn cũng phải xét xem liệu phương pháp đó có đem lại kết quả không. Đó là vấn đề chúng ta cần tranh luận”.
Ailita Nguyễn ( theo TheGuardian)