Ả Rập Saudi dùng kỹ thuật gieo mây để tạo mưa ở 3 thành phố

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:10, 30/04/2022

Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang chuyển sang dùng kỹ thuật gieo mây để tăng lượng mưa hàng năm.
gieo-may.jpg
Ả Rập Saudi dùng kỹ thuật gieo mây tạo mưa ở 3 thành phố Riyadh, al-Qassim và Hail

Nước này đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của hoạt động gieo mưa nhân tạo ở các khu vực phía trên thủ đô Riyadh, al-Qassim và Hail vào hôm 26.4. Kỹ thuật điều chỉnh thời tiết đang được thực hiện như một phần của nỗ lực nhằm tăng lượng mưa hàng năm của Ả Rập Saudi, vốn không vượt quá 100 mm/năm, lên từ 10-20%.

Gieo mây (cloud seeding) là kỹ thuật bao gồm đưa hóa chất vào mây, ví dụ hạt iod bạc nhỏ, để tăng thêm mưa từ đám mây. Cách này khiến những giọt nước tập trung xung quanh hạt iod bạc và va vào nhau hình thành nên giọt nước lớn hơn, làm tăng khả năng mưa rơi.

Là một trong những quốc gia khô hạn nhất trên thế giới, dự án của Ả Rập Saudi nhằm giảm tình trạng sa mạc hóa thông qua lượng mưa. Đây là một trong những mục tiêu của Ả Rập Saudi xanh, một sáng kiến nhằm tăng thảm thực vật và khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu.

Ayman Ghulam, người đứng đầu Trung tâm Khí tượng Quốc gia đồng thời giám sát chương trình gieo mây, cho biết phòng điều hành của chương trình đã mở cửa hôm 25.4 tại trụ sở của trung tâm ở Riyadh. Các chuyến bay đầu tiên diễn ra ở khu vực lân cận thủ đô. Ghulam tuyên bố rằng họ đã đạt được các mục tiêu về kết quả và tính kịp thời của các hoạt động gieo mây. Trung tâm sẽ cung cấp thông tin cập nhật hàng quý về sự phát triển.

Chương trình sẽ theo dõi các đám mây hình thành trên toàn quốc để tìm ra các vị trí tối ưu cho các nỗ lực gieo mây, trong đó sẽ sử dụng các vật liệu “thân thiện với môi trường” để tăng lượng mưa ở các khu vực được nhắm mục tiêu. Theo Gluham, sáng kiến gieo hạt vào đám mây là một trong những “cách đầy hứa hẹn” để duy trì sự cân bằng nước một cách an toàn, dễ thích nghi và tiết kiệm chi phí.

Công nghệ tương tự đang được sử dụng rộng rãi bởi nhiều quốc gia khác. Trung Quốc đã chi hàng triệu USD để thay đổi thời tiết trước các sự kiện lớn, chẳng hạn như Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Đến năm 2025, nước này sẽ có một “hệ thống điều chỉnh thời tiết” gây mưa nhân tạo trên diện tích hơn 5,5 triệu km2 và hạn chế mưa đá trên 580.000 km2.

Công nghệ này cũng được sử dụng ở Mỹ, với Idaho Power, công ty tư nhân phục vụ hơn 500.000 người tiêu dùng ở nam Idaho và đông Oregon, là một ví dụ điển hình. Tờ Independent nói rằng Idaho Power đã sử dụng phương pháp gieo mây để bổ sung cho việc sản xuất năng lượng thủy điện của mình trong gần hai thập kỷ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều bị thuyết phục và tin tưởng vào gieo mây vì tỷ lệ phần trăm lượng mưa tăng lên do kỹ thuật này được báo cáo là không cao lắm.

Với những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn mỗi năm, các quốc gia trên thế giới cảm thấy cần phải xem xét các công nghệ như vậy. Mùa hè năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã phải chuyển sang sử dụng máy bay không người lái để chống lại cái nóng gay gắt. Nước này đã sử dụng máy bay tạo mây và phóng điện để tạo mưa ở Dubai.

Long Hải