Không có giới hạn nào cho sự sáng tạo nhưng phải theo tiêu chuẩn của số đông
Văn hóa - Ngày đăng : 12:51, 02/05/2022
Bạn có muốn nghe một câu chuyện về sự bắt chước các trào lưu và nghệ sĩ của một cô bé tuổi teen không?
Để tôi kể cho các bạn câu chuyện của chính mình.
Vào năm học cấp 3 (chắc cũng độ cách đây 15 năm), MTV mới xuất hiện ở Việt Nam và hồi ấy nhạc emo, punk rock vẫn còn đang chiếm lĩnh thị trường âm nhạc thế giới. Có một thứ trào lưu mà thiếu niên nào cũng biết hoặc từng nghe qua, chính là emo. Emo là gì? Là những cô cậu thiếu niên u uất, mặc đồ tối màu, tóc che hết một bên mắt (theo lý giải là để che những giọt nước mắt rơi), tìm đến self-harm (tự hủy hoại bản thân) để giải thoát những nỗi cô đơn trong lòng. Ngày đó, Internet chưa phát triển như bây giờ, nhưng chỉ cần vài dòng keyword trên Tumblr là có thể tìm đến hàng tá những bức hình các thanh niên ăn mặc gai góc, tóc tai xòa trước mặt, nước mắt rơi lã chã và thậm chí là những chiếc cổ tay đầy vết sẹo, vết rạch vẫn còn rướm máu đỏ. Nhìn thì sợ, nhưng hồi ấy còn bé, lại biết đó đang là trend, nên thấy… ngầu thế không biết.
Vậy là tôi khi đó - một cô bé lớp 10 sống vô lo vô nghĩ nhưng cũng vô cùng đua đòi, vừa bắt đầu bước vào tuổi dậy thì với những nỗi buồn vu vơ về cuộc sống, bắt đầu nghe nhạc MTV và biết đến emo. Thế là tôi cũng tưởng mình… emo thật. Bắt đầu cũng thấy mọi nỗi buồn be bé trở nên to to, bỗng thấy cuộc đời ôi sao mà xám xịt, bắt đầu tự bi kịch hóa những vấn đề trong cuộc sống của mình lên như một khủng hoảng tinh thần. Nghe nhạc hay ăn mặc kiểu rocker vẫn chưa đủ, tôi thấy mình… phải rạch tay một phát nó mới đúng kiểu. Thế là tôi lấy một lưỡi nhíp nhỏ rồi rón rén cào cào lên tay. Cào đến lúc tay hơi xước và rướm máu nhẹ thì tôi bỏ cuộc vì tôi quá sợ đau, xước tay chút nhẹ tôi cũng không chịu nổi. Tôi quyết định là thôi emo đau thế này thì tôi không thể emo được. Tôi nghe nhạc là đủ rồi.
Nghe đến đây các bạn thấy tôi thật ngốc nghếch phải không. Tôi cũng thấy thế. Nhưng hồi đấy tôi có biết sau này tôi khôn ra thế nào đâu cơ chứ. Tôi chỉ nghĩ như vậy là cool lắm. Lại thêm việc tâm hồn bay bổng, non nớt của một cô bé mới dậy thì nhìn đâu cũng buồn man mác, nên nghe nhạc hay xem phim, coi ảnh của các bạn trẻ thế giới dù buồn nhưng đẹp lung linh như vậy thì tôi cũng muốn. Muốn như vậy đâm ra tôi tưởng mình buồn như vậy thật, mà buồn như vậy thì cũng phải tìm đến cách giải tỏa như các bạn ấy phải không? Thế nên tôi mới có màn bắt chước mà đến giờ tôi vẫn không dám kể cho ai vì xấu hổ.
Nhắc lại câu chuyện ấy vào hôm nay là muốn cho các bạn biết rằng: Đôi khi không phải ai cũng đủ chín chắn để biết rằng cái gì nên hay không nên bắt chước. Ở vào cái độ tuổi dở dở ương ương (hoặc thậm chí nhỏ hơn), ranh giới để quyết định làm theo một hành động hay hình ảnh tiêu cực là cực kỳ mong manh. Đôi khi vì buồn thật, và đôi khi là vì một lý do… cực kỳ vớ vẩn. Ví dụ như tôi với suy nghĩ rằng phải self-harm thì mới đúng là một thiếu niên emo thứ thiệt. Tôi tự thấy may vì hồi đó tôi hèn, nếu tôi không sợ đau và quyết làm một điều dại dột hơn nữa thì sao? Có lẽ trên tay tôi sẽ có một vết sẹo, hoặc thậm chí là tệ hơn nữa, các bạn hiểu điều tôi muốn nhắc đến là gì chứ?
Chính vì cái ranh giới mong manh và non nớt đó trong suy nghĩ của thanh thiếu niên và trẻ em, thế nên các sản phẩm nghệ thuật/âm nhạc thường được phân loại độ tuổi rất rõ và có cảnh báo về những nội dung nhạy cảm.
Khi chúng ta đã lớn và có sự trưởng thành về suy nghĩ, chúng ta biết được cái gì nên và không nên. Khi xem một MV ca nhạc, nghe một bài hát, xem một bộ phim có nội dung u ám - ta hiểu rằng mọi thứ chỉ là kể một câu chuyện để ta có thể suy ngẫm và rút ra cho mình một bài học về cuộc sống. Nhưng ở tâm trí của những đứa trẻ, những hình ảnh và nội dung đó có thể hướng đến những suy nghĩ tiêu cực hơn.
Một là trầm trọng hóa những nỗi buồn sẵn có và gợi ý một giải pháp tiêu cực duy nhất để giải tỏa vấn đề.
Hai là khiến các em thấy… hay hay, và quyết định bắt chước.
Dù là trường hợp nào thì cũng để lại những hậu quả trực tiếp lên chính các em. Và đó là một điều nếu xảy ra sẽ khiến chúng ta phải hối tiếc.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ngăn chặn những sản phẩm nghệ thuật phản ánh những góc tối của con người, chẳng khác nào phủ định sự thật, chối bỏ những vấn đề đang diễn ra hàng ngày và không quan tâm đến điều người trẻ thật sự nghĩ. Tôi cho rằng đó là một sự đánh tráo khái niệm.
Không thể kể hết những sản phẩm nghệ thuật lấy tiêu cực làm chất liệu chính, chúng vẫn được lưu hành cũng như đông đảo khán giả đón nhận một cách cởi mở và văn minh. Sự khác biệt là ở cách thể hiện, và đối tượng mà những sản phẩm ấy hướng đến.
Linkin Park, một trong những biểu tượng của dòng nhạc nu-metal và là thần tượng của cả một thế hệ 9x, vốn cực kỳ nổi tiếng nhờ những bài hát nói về nỗi cô độc của người trẻ, bệnh trầm cảm, những áp lực từ cuộc sống và gia đình. Âm nhạc của Linkin Park trải dài từ sự giận dữ, tuyệt vọng cho đến nỗi buồn thăm thẳm của những người đối mặt với vấn đề tâm lý.
Bản thân Chester Bennington, giọng hát chính của nhóm, cũng là một người phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm nặng trong suốt nhiều năm bởi những sang chấn của một tuổi thơ bị bạo hành. Cách đây 5 năm, Chester đã tự kết thúc cuộc đời sau rất nhiều năm chiến đấu với bóng tối của bản thân.
U ám là vậy, nhưng âm nhạc của Linkin Park luôn được ngợi ca là “liều thuốc tinh thần” với tất cả những người trẻ thuộc thế hệ tôi. Điều đó không đến từ những hình ảnh gây shock, hay sự giận dữ đến thôi thúc tìm đến một giải pháp tiêu cực đi vì đó là cách duy nhất để chạy trốn khỏi thực tại này. Âm nhạc đó buồn bã nhưng đầy ánh sáng, những hình ảnh tinh tế và gợi mở. Chúng tôi tìm được sự đồng cảm ở đó, một tiếng nói từ tâm hồn mình, cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và chữa lành.
Tiếp tục, nếu những ai nghe USUK những năm 2003 hẳn sẽ biết MV huyền thoại Bring Me To Life của Evanescence. Bring Me To Life là một MV khá sốc với hình ảnh giọng ca nữ Amy Lee cheo leo trên rìa tòa nhà, tìm mọi cách để bám víu lên gờ tường và cuối cùng cô chấp nhận rơi xuống. Nhưng hóa ra tất cả chỉ là một giấc mơ. Bài hát là ẩn dụ cho sự tuyệt vọng của một người trầm cảm, đang tìm mọi cách để níu giữ mình lại với cuộc đời, hơn hết đó là khao khát được sống và được cứu rỗi của một tâm hồn đau khổ. Cái kết khép lại là một giấc mơ khiến người xem cảm thấy nhẹ nhõm, một tia hy vọng được thắp lên cho nhân vật chính trong MV. Tôi nghĩ, đó là điều mà bất cứ ai trải qua bệnh tâm lý đều ao ước, một lối ra tốt đẹp cho những ngày tối tăm.
Việc tiếp cận những nội dung nhạy cảm như trầm cảm đòi hỏi người làm nó không chỉ thật sự thấu hiểu, mà còn phải ý thức được những gì mình đang làm sẽ mang đến ảnh hưởng như thế nào cho người đón nhận chúng. Lớp fan của Linkin Park lẫn Evanescence ngày ấy có độ tuổi khá trẻ, rất nhiều trong đó là các thanh thiếu niên trung học, vốn gặp rất nhiều những vấn đề trong quá trình trưởng thành.
Vậy nên dẫu mang nội dung u ám, nặng nề, nhưng cách thể hiện bóng tối bên trong người nghệ sĩ của họ cũng nhẹ nhàng và tích cực hơn rất nhiều. Việc tránh đề cập trực tiếp đến những cách giải quyết tiêu cực vừa là cách giúp Evanescence hay Linkin Park có thể đưa sản phẩm của mình tới đối tượng trẻ hơn, vừa giúp người nghe được đồng cảm nhưng không cảm thấy bị bế tắc. Bản thân các phụ huynh khi thấy con mình đón nhận những sản phẩm này cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn vì biết rằng không có một lời khuyên tiêu cực nào được đưa ra ở đây cả.
Bài học ở đây là:
Khi đã xác định tiếp cận một chủ đề đen tối như trầm cảm, bạn phải thật sự đào sâu tìm hiểu, nghiên cứu, phải đặt mình vào giày của những người đã trải qua trầm cảm. Việc đó không chỉ giúp âm nhạc của bạn tạo sự thấu cảm, mà còn thật sự chữa lành.
Đó là điều khiến một tác phẩm có sức sống mãnh liệt và thật sự ý nghĩa với những người cần nó. Ngoài ra, mọi sự sao chép bề ngoài, hời hợt mô phỏng sẽ chỉ mang đến những làn sóng phẫn nộ, dẫu cho bạn phủ lên đó bao nhiêu hình ảnh hào nhoáng và bắt mắt.
Vậy chẳng lẽ nếu cứ ẩn ý, nói giảm nói tránh… thì không gian đâu cho người nghệ sĩ có thể sáng tạo?
Câu trả lời chính là: Giới hạn độ tuổi và cảnh báo trước khi xem sản phẩm.
Có rất nhiều những nghệ sĩ đã thực hiện “tới bến” những sản phẩm phô bày hết sự đen tối của con người. Trong rock, có hẳn một dòng nhạc gọi là Doom để các nghệ sĩ chỉ hát về những gì sầu khổ, u uất và chết chóc nhất. Nhưng âm nhạc đó chưa bao giờ là âm nhạc của đại đa số. Không ai chiếu Marilyn Manson hay Lacuna Coil trên kênh Cartoon Network, phải không? MTV vốn là kênh âm nhạc nổi tiếng bậc nhất với độ phủ rộng rãi, gần như chỉ chiếu những show riêng về hard rock vào buổi đêm hoặc những giờ mà họ yên tâm rằng trẻ con sẽ phải đi ngủ, hoặc đi học.
Bản thân các nghệ sĩ khi nhào nặn những sản phẩm có màu sắc tiêu cực cũng phải ý thức rất rõ về những nội dung mình mang đến cho khán giả có thể để lại cảm xúc thế nào. Từ đó đưa sản phẩm của mình vào một hệ thống giới hạn độ tuổi phù hợp. Band nhạc rock Avenged Sevenfold có một MV được vẽ lại theo phong cách hoạt hình, kể một câu chuyện tưởng tượng nhưng khá kinh dị mà ngay cả người lớn khi xem cũng có thể phải rùng mình. Ở đầu MV, band nhạc có ghi rõ cảnh báo về nội dung trần trụi và bạo lực, để người xem có thể quyết định rằng mình nên tiếp tục hay không.
Sự sáng tạo của mỗi nghệ sĩ là vô hạn, và họ có thể sử dụng ngôn ngữ cũng như cách biểu đạt của riêng mình để kể câu chuyện họ muốn kể.
Không có giới hạn nào cho sự sáng tạo, càng không có sự áp đặt cho sáng tạo phải thế này hay phải làm thế kia. Nhưng hãy hiểu rằng, khi mang sự sáng tạo của mình ra số đông, bạn phải đi theo một tiêu chuẩn dành cho số đông. Đám đông đó gồm những ai: Người già, người lớn, trẻ vị thành niên, trẻ nhỏ, phụ huynh của trẻ nhỏ.
Đó là trách nhiệm và sự lưu tâm cần có của một người làm nghệ thuật. Còn nếu bạn vẫn muốn sáng tạo hết nấc, phơi bày ra tất cả những gì mà trí tưởng tượng của mình có thể chạm đến. Điều đó không sao. Nhưng hãy làm nhạc cho… số ít, làm cho những người có thể cảm nhận và hiểu đúng câu chuyện bạn đang nói ra chứ không phải những thanh thiếu niên đang bỡ ngỡ và nhạy cảm với cuộc đời. Bạn không thể mang một câu chuyện quá đen tối đặt vào bàn cho những trẻ nhỏ để cùng nghiền ngẫm với người trưởng thành. Bởi cách tư duy và đón nhận cảm xúc của mỗi thế hệ là hoàn toàn khác biệt.
Cuối cùng, tôi xin kết lại bằng một câu chuyện thế này. Năm 1984, Tipper Gore - vợ của Phó tổng thống Hoa kỳ tương lai Al Gore cảm thấy lo lắng về con gái của mình - khi đó mới 11 tuổi - đang say mê album Purple Rain của Prince. Bà đi mua một bản copy của album, nghe thử và giật mình vì những lời lẽ cực nhạy cảm và trần trụi trong một bài hát ở trong đó.
Tipper ngay lập tức tập hợp lại những bà vợ của các chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng của Mỹ, dùng quyền lực của mình để can thiệp và tạo ra Trung tâm tài nguyên âm nhạc dành cho phụ huynh - PMRC. Nơi khai sinh các rating sản phẩm âm nhạc, mà sau đó được tóm gọn lại với cái mác huyền thoại mà bạn có thể đã thấy đâu đó trên các MV âm nhạc USUK: Parental Advisory - Explicit Content (Khuyến cáo phụ huynh - Nội dung nhạy cảm).