Alibaba và các hãng công nghệ Trung Quốc chịu lỗ giúp người dân thời phong tỏa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:54, 04/05/2022

Alibaba, JD.com và Meituan có các mạng lưới phân phối để cung cấp cho các thành phố trong thời gian bị phong tỏa do COVID-19.

Việc Trung Quốc áp đặt quy định khắc nghiệt với Big Tech (hãng công nghệ lớn) bắt đầu cuối năm 2020 khiến cổ phiếu nhiều công ty lao đao. Trong năm qua, các công ty công nghệ đã mất tới 2.000 tỉ USD giá trị thị trường, tương đương 11% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, theo ước tính từ ngân hàng Goldman Sachs Group (Mỹ).

Tháng 4.2022, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của các công ty công nghệ. Đã đến lúc các nhà đầu tư nên nhìn lại ngành công nghệ Trung Quốc?

Khi Trung Quốc chạy đua để ngăn chặn biến thể Omicron đang lan truyền nhanh chóng với việc phong tỏa nhiều thành phố, chính phủ đang bắt đầu nhận thấy Big Tech hữu ích. Các công ty như Alibaba, JD.com và Meituan đã xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, tìm nguồn cung ứng sản phẩm tươi sống từ nông dân và tuyển dụng đội quân lao động nhập cư để giao hàng nhanh chóng.

alibaba-va-cac-hang-cong-nghe-bi-trung-quoc-chiu-lo-giup-dan-thoi-phong-toa111(1).jpg
Được ưu ái về thuế, Alibaba chịu lỗ vận chuyển hàng hóa cho dân thời phong tỏa - Ảnh: Internet

Khi hàng triệu người Trung Quốc không thể ra ngoài mua sắm, Big Tech chứng tỏ vai trò của mình. Theo chính quyền Thượng Hải, các công ty internet đã điều động khoảng 20.000 người đi xe để giao trung bình 2,5 triệu đơn đặt hàng tạp hóa mỗi ngày cho 25 triệu cư dân của thành phố này, vốn bị phong toàn hoàn toàn kể từ ngày 1.4.

Các biện pháp xử lý thuế hào phóng của chính phủ Trung Quốc cũng giúp các công ty công nghệ thoải mái trong nhiều năm. Trong khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn của Trung Quốc là 25%, các công ty internet đã trả ít hơn rất nhiều. Những công ty đủ tiêu chuẩn là doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng tỷ lệ 15%, thậm chí 10% với các hãng được coi là sản xuất phần mềm thiết yếu.

Alibaba Group Holding và Tencent Holdings mỗi bên chỉ đóng thuế 4%. Các công ty thương mại điện tử nhỏ hơn như Pinduoduo và JD.com hầu như không đóng góp gì.

Trong khi những hãng khác phải trả nhiều tiền hơn. Theo công ty Bernstein Research, trong năm 2019, các nhà sản xuất rượu cao cấp thuộc sở hữu nhà nước như Kweichow Moutai và Wuliangye Yibin lần lượt đóng góp 61% và 45% tổng doanh thu của họ cho nhà nước.

Vì vậy, chính phủ Trung Quốc không gặp vấn đề gì khi yêu cầu các công ty công nghệ hy sinh lúc này.

Trong trường hợp cụ thể, dịch vụ giao hàng tạp hóa của Big Tech trong thời gian phong tỏa nhiều thành phố có thể chịu mức lỗ lớn. Việc thuê người lái xe rất tốn kém. Thông thường, nhân viên giao hàng không thể về nhà vào cuối ngày vì chính phủ muốn giảm thiểu giao thông ra vào các khu dân cư. Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải cung cấp nhà ở cho họ, hoặc có nguy cơ bị phương tiện truyền thông đưa tin không hay về những người vô gia cư ngủ dưới gầm cầu vào ban đêm.

Cùng với việc yêu cầu các công ty công nghệ đóng thuế nhiều hơn, chính phủ cũng thỉnh thoảng yêu cầu họ cung cấp các dịch vụ thiết yếu mà các doanh nghiệp hướng tới lợi nhuận thường né tránh.

Người dân Thượng Hải dùng NFT lưu kỷ niệm bị phong tỏa, chống lại kiểm duyệt

Người dân Thượng Hải đang chuyển sang sử dụng blockchain để lưu giữ những kỷ niệm về các đợt phong tỏa kéo dài 1 tháng của thành phố, tạo video, ảnh và tác phẩm nghệ thuật ghi lại thử thách của họ dưới dạng NFT (mã thông báo không thể thay thế) để đảm bảo chúng có thể được chia sẻ và tránh bị xóa.

alibaba-va-cac-hang-cong-nghe-bi-trung-quoc-chiu-lo-giup-dan-thoi-phong-toa1.jpg
POPaganda, một bộ sưu tập NFT mô tả cuộc sống dưới sự phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải, được Simon Fong tạo và bán trên trang web OpenSea - Ảnh: Reuters

Không thể rời khỏi nhà trong nhiều tuần liền, nhiều người trong số 25 triệu cư dân Thượng Hải đã bày tỏ sự thất vọng của họ trên mạng, bức xúc với những biện pháp phong tỏa hà khắc và khó khăn trong việc mua sắm thực phẩm, chia sẻ những câu chuyện ngành y, chẳng hạn như bệnh nhân COVID-19 không được điều trị y tế.

Trong khi đó, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát mạng internet và các cuộc trò chuyện nhóm để ngăn chặn những gì họ mô tả là tin đồn cùng nỗ lực gây bất hòa trong công chúng với việc phong tỏa.

Trong khi một số người tiếp tục đăng lại nội dung như vậy, những người khác đang chuyển sang thị trường NFT như OpenSea, nơi người dùng có thể đúc nội dung và mua hoặc bán nó bằng tiền mã hóa, bị thu hút một phần bởi thực tế là dữ liệu được ghi lại trên blockchain là không thể xóa được.

OpenSea là thị trường phi tập trung chuyên cung cấp các loại vật phẩm, hàng hóa kỹ thuật số như bộ sưu tầm NFT, NFT của các game, tranh ảnh nghệ thuật kỹ thuật số và các tài sản khác được hỗ trợ trên blockchain

Ngày 22.4, cư dân mạng chiến đấu với các nhà kiểm duyệt qua đêm để chia sẻ một video 6 phút có tựa đề The Voice of April (Tiếng nói của tháng Tư), một bản dựng các giọng nói được ghi lại trong quá trình bùng phát dịch ở Thượng Hải.

Video mô tả từ người dân về những đau khổ của họ trong thời gian Thượng Hải phong tỏa nghiêm ngặt.

Xoay quanh những tòa nhà chọc trời im lìm ở Thượng Hải, video bao gồm cả những lời dân phàn nàn về việc thiếu lương thực và thuốc men, cũng như các chiến thuật mạnh tay của chính quyền thành phố.

Đoạn kết thúc video có nội dung: “Hãy sớm khỏe lại, Thượng Hải”.

Tính đến ngày 2.5, 786 mục khác nhau liên quan đến video này có thể được tìm thấy trên OpenSea, cùng với hàng trăm NFT khác về đợt phong tỏa ở Thượng Hải.

Vào ngày 23.4, một người Trung Quốc dùng Twitter cho biết: "Tôi đã đúc video The Voice of April thành một NFT và đã đóng băng siêu dữ liệu của nó. Video này sẽ tồn tại vĩnh viễn trên IPFS".

Hệ thống tệp liên hành tinh (IPFS) là một giao thức và mạng ngang hàng để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trong một hệ thống tệp phân tán.

Giống như hầu hết các nền tảng mạng xã hội và tin tức lớn của nước ngoài, Twitter bị chặn ở Trung Quốc nhưng người dân có thể truy cập bằng VPN (mạng riêng ảo).

Một lập trình viên ở Thượng Hải nói với Reuters rằng anh nằm trong số những người tại thành phố nỗ lực giữ cho video tồn tại.

Anh ấy đã tự đúc một NFT dựa trên ảnh chụp màn hình của bản đồ phong tỏa của Thượng Hải, cho thấy phần lớn thành phố đã bị phong tỏa như thế nào với thế giới bên ngoài.

"Bị mắc kẹt ở nhà vì đợt bùng phát dịch khiến tôi mất rất nhiều thời gian", anh nói.

Các nội dung khác của Thượng Hải có trên OpenSea dưới dạng NFT để bán gồm các bài đăng trên Weibo có nội dung phàn nàn về biện pháp kiểm soát, hình ảnh từ bên trong các trung tâm cách ly và các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ cuộc sống khi phải ở nhà.

Simon Fong, một nhà thiết kế tự do 49 tuổi đến từ Malaysia, sống ở Thượng Hải được 9 năm, đã bắt đầu tạo ra những bức tranh minh họa châm biếm về cuộc sống tại nhà.

Simon Fong bắt đầu đúc chúng thành NFT, tham gia thị trường từ cuối năm ngoái và hiện đã bán được 9 tác phẩm của mình với giá trung bình 0,1 ether (290 USD).

Dù Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền mã hóa nhưng người dân coi blockchain là công nghệ đầy hứa hẹn. NFT đã và đang thu hút được sự chú ý ở Trung Quốc, được các phương tiện truyền thông nhà nước và thậm chí cả các công ty công nghệ bao gồm Ant Group, Tencent Holdings đón nhận.

Việc kéo dài phong tỏa ở Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, là chiến lược Zero COVID gây tranh cãi với có rủi ro ngày càng tăng cho nền kinh tế nước này.

Bắt đầu từ tháng 3.2021, đợt bùng phát dịch ở Thượng Hải là làn sóng dịch tồi tệ nhất Trung Quốc kể từ khi vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện tại thành phố Vũ Hán cuối năm 2019. Hàng trăm ngàn người ở Thượng Hải đã nhiễm SARS-CoV-2.

Sơn Vân