Tìm hiểu câu chuyện thiên thạch Chelyabinsk chứa kim cương

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:24, 26/07/2016

Các báo Nga vừa đồng loạt đưa tin: Tinh thể phát hiện trong bụi thiên thạch Chelyabinsk, Nga không hề chứa kim cương như một số giả thiết trước đây.
Hiện nay các mảnh vỡ của thiên thạch được triển lãm ở nhiều thành phố của Nga và thế giới. Ảnh minh họa.

Theo tờ MK, các chuyên gia của Đại học Chelyabinsk, Nga đã đưa ra kết luận trên sau khi tiến hành những nghiên cứu bổ sung. Vào tháng 2.2015, trên báo chí có nói đến việc các chuyên gia phân tích thiên thạch đã phát hiện thấy tinh thể cacbon trong những mảnh thiên thạch. Thế là liền có giả thiết đó là kim cương, nhưng các chuyên gia cho rằng cần kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Giáo sư Khoa vật lý của trường đại học trên, ông Sergej Taskaev, giải thích rằng trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học Nga phát hiện thấy trong tinh thể thu được từ thiên thạch không có mối liên hệ đặc trưng cho kim cương, có kết cấu 3 chiều như giả thiết ban đầu, mà là kết cấu 2 chiều và các nhà khoa học cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu về nguồn gốc của loại tinh thể đó.

Hiện tại, các chuyên gia đang xem xét 2 giả thiết chủ yếu, vật chất kỳ lạ đó hình thành như thế nào, có thể do thiên thạch bay vào bầu khí quyển trái đất nên xuất hiện tinh thể đó, nhưng cũng không loại trừ, tinh thể tồn tại ngay từ trong khoảng không vũ trụ.

Xin nhắc lại rằng thiên thạch trên bay vào bầu khí quyển trái đất ngày 15.2.2013. Sau khi vụ nổ thiên thạch xảy ra, các mảnh thiên thạch đều bốc hơi và chỉ còn hai mạch thiên thạch. Một trong hai mảnh thiên thạch này chính là nguyên nhân gây ra vụ nổ ở tỉnh Chelyabinsk, Nga làm xuất hiện các đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh lân cận cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Ural, Nga.

Nguồn năng lượng có trong thiên thạch khi phát nổ ước tính tương đương với vụ nổ của khoảng 500.000 tấn thuốc nổ TNT và mạnh hơn gấp 30 lần so với sức mạnh của quả bom từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.

Vụ nổ thiên thạch gây sóng xung kích, ảnh hưởng nặng nề đến 5 khu vực của Nga, làm hơn 3.000 ngôi nhà hư hại và hơn 1.613 người bị thương. Thiệt hại ước tính nửa tỷ rúp.

Các nhà khoa học tiến hành trục vớt phần lớn nhất của thiên thạch từ hồ Chabarkul, ngoại ô thành phố Chelyabink. Các mảnh vỡ của thiên thạch đã được triển lãm ở nhiều thành phố của Nga và thế giới.

3 năm sau, các bài báo trên các tạp chí khoa học trên thế giới thường so sánh kích thước các thiên thể đang tiến gần đến trái đất với kích thước thiên thạch Chelyabinsk.

Vũ Trung Hương