Người dân đi xe lên cầu Thủ Thiêm 2 chụp hình có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

Sự kiện - Ngày đăng : 19:21, 05/05/2022

Sau khi cầu Thủ Thiêm 2 được thông xe, rất nhiều người dân đi xe máy, ô tô lên cầu này để chụp hình lưu niệm. Điều này khiến họ có thể bị xử phạt lên đến 3 triệu đồng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã chia sẻ với phóng viên như thế tại cuộc họp báo chiều 5.5.

Theo ông Hà, từ ngày 28.4, khi cầu Thủ Thiêm 2 chính thức thông xe, rất nhiều người dân đi xe đạp, xe máy và cả ô tô lên cầu này để chụp hình lưu niệm. Việc dừng xe trên cầu để chụp hình như thế là vi phạm luật giao thông đường bộ.

“Đây là cây cầu bắt ngang sông Sài Gòn, rất đẹp với góc nhìn rộng. Chính vẻ đẹp này đã khiến nhiều người đến đây chụp hình mà quên đi mình đang vi phạm luật giao thông đường bộ”, ông Hà nói.

nguoi-dan-di-xe-len-cau-thu-thiem-2-chup-hinh-co-the-bi-phat-len-den-3-trieu-dong-hinh-anh(1).png
Sau khi cầu Thủ Thiêm 2 thông xe, rất nhiều người dân đi xe máy lên cầu này để chiêm ngưỡng, chụp hình - Ảnh: PV 

Ông Hà cho biết, theo Luật giao thông đường bộ và Nghị định 100 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), dừng hoặc đỗ xe trên cầu sẽ bị phạt tiền, từ xe đạp đến mô tô và ô tô.

Cụ thể, ô tô dừng hoặc đỗ trên cầu bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng, biện pháp đính kèm là tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng; mô tô khi dừng hoặc đỗ trên cầu sẽ bị phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng; xe đạp dừng hoặc đỗ trên cầu bị phạt từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng.

Ông Hà lưu ý người dân những vị trí không được dừng, đỗ xe dù không để biển cấm. Theo Luật giao thông đường bộ, có tổng cộng 11 vị trí mà người điều khiển phương tiện giao thông không được dừng đỗ dù không có biển cấm gồm: bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Liên quan đến tình hình lưu thông qua cầu Thủ Thiêm 2 sau khi thông xe, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở giao thông vận tải cho biết, từ ngày thông xe (28.4) đến nay trung bình mỗi ngày có gần 10.000 lượt phương tiện qua cầu. Mặt khác, phương tiện qua hầm Thủ Thiêm (hầm vượt sông Sài Gòn) giảm khoảng 14% so với những ngày trước đó.

Đến ngày 7.5 Sở Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh lại hướng lưu thông trên một số tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Duẩn, dự báo lượng phương tiện qua cầu Thủ Thiêm 2 sẽ gia tăng.

Hệ thống chiếu sáng kỹ thuật để đảm bảo an toàn giao thông khi qua cầu về đêm của cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành, đảm bảo an toàn đưa vào khai thác, tuy nhiên cầu chưa có hệ thống chiếu sáng mỹ thuật.

Theo ông Phan Công Bằng, trong dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 trước đây đã có thiết kế hệ thống chiếu sáng mỹ thuật. Tuy nhiên, khi công trình triển khai thi công, TP nhận thấy cây cầu có tính thẩm mỹ rất đẹp về mặt kiến trúc. Do đó, UBND TP đã đề nghị các bên liên quan nghiên cứu nâng cấp hệ thống chiếu sáng mỹ thuật để tạo điểm nhấn cho TP và dòng sông Sài Gòn nhằm tạo cảnh quan đô thị và thu hút khách du lịch.

Hiện UBND TP giao cho Sở quy hoạch Kiến trúc và nhà đầu tư nghiên cứu hệ thống chiếu sáng mỹ thuật. Dự kiến, hệ thống chiếu sáng cho cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được thực hiện trực tiếp trên các dây văng, được điều khiển tự động qua máy tính. Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng gián tiếp bằng hệ thống đèn từ dưới chân cầu và dưới sông Sài Gòn lên dây văng và thân cầu mang đến cho người dân và du khách cảm giác ấn tượng, độc đáo. Dự kiến, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật trên cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022.

Hồ Quang