Lý do khiến nhiều trùm công nghệ Trung Quốc theo Jack Ma ngừng đăng bài trên Weibo
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:26, 06/05/2022
Hai giám đốc điều hành hai công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã chuyển sang chế độ ngủ đông trên Weibo, nền tảng giống Twitter. Họ là người mới nhất trong danh sách những trùm công nghệ Trung Quốc rút lui khỏi Weibo.
Trong kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động kéo dài 5 ngày gần đây ở Trung Quốc, người dùng Weibo nhận thấy rằng Jean Liu, Chủ tịch tập đoàn gọi xe khổng lồ Didi Chuxing, đã đặt các bài đăng trên tài khoản Weibo của cô ở chế độ riêng tư. Cha cô, Liu Chuanzhi, người thành lập hãng máy tính Lenovo, cũng làm như vậy với tài khoản Weibo của ông.
Vì cả hai đều không đăng bất cứ điều gì trong 6 tháng qua, tài khoản của họ xuất hiện dưới dạng trang trống. Dù vậy, tài khoản Weibo của Jean Liu và Liu Chuanzhi vẫn ở trạng thái hoạt động, chưa bị xóa.
Jean Liu có gần 10,4 triệu người theo dõi trên tài khoản Weibo cá nhân, trong khi cha cô có khoảng 878.000 người.
Jean Liu, cựu Giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), thường được coi là đại sứ công khai của Didi. Cô từng sử dụng Weibo để giải quyết các phàn nàn và bình luận của người dùng về Didi, theo một báo cáo từ Financial Times.
Dù hai cha con Jean Liu không đưa ra lý do chuyển tài khoản Weibo sang chế độ riêng tư, nhiều người cho rằng họ quyết định làm như vậy để tránh sự giám sát ngày càng gia tăng của Trung Quốc với lĩnh vực công nghệ.
"Vào lúc này, tốt nhất bạn nên hạ cờ và đánh trống lảng. Khi bạn yên lặng, mọi chuyện sẽ ổn thôi", một người bình luận trên Weibo cho biết trong một bài thơ tự viết có tiêu đề "Liu Chuanzhi và Jean Liu ẩn tài khoản Weibo của họ: Tại sao?".
Didi và Lenovo chưa trả lời câu hỏi về vấn đề này
Được khuyến khích bởi những thành công từ các công ty của mình, một số nhà sáng lập và giám đốc điều hành công nghệ Trung Quốc trước đây rất thẳng thắn trên các nền tảng truyền thông xã hội. Nhiều người dựa vào các nền tảng phổ biến như Weibo để tương tác với những người theo dõi.
Thế nhưng trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tiến hành quản lý chặt chẽ lĩnh vực công nghệ, nhiều tên tuổi lớn đã rút khỏi sự chú ý của công chúng.
Zhang Yiming (người sáng lập ByteDance - chủ sở hữu của TikTok) và Wang Xing (nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ứng dụng giao đồ ăn Meituan) đều đã đặt tài khoản Weibo của họ ở chế độ riêng tư.
Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, sử dụng nền tảng này lần cuối vào tháng 10.2020.
Didi đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về mặt pháp lý từ Trung Quốc và Mỹ.
Ứng dụng gọi xe Didi, thường được so sánh với Uber, từng gây tranh cãi về việc niêm yết tại New York (Mỹ). Năm ngoái, các cơ quan quản lý Trung Quốc muốn Didi trì hoãn việc niêm yết tại New York cho đến khi xem xét việc bảo mật dữ liệu của mình. Song, Didi vẫn niêm yết tại New York vào tháng 6.2021, kích động sự chú ý của chính phủ Trung Quốc.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã có nhiều động thái mạnh tay với Didi, yêu cầu họ gỡ ứng dụng của mình khỏi các cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động trong khi Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) điều tra việc thu thập dữ liệu khách hàng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi các lĩnh vực như internet, viễn thông và giáo dục là nhạy cảm vì những lo ngại về chính trị hoặc an ninh quốc gia. Đây là động thái trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát lĩnh vực công nghệ nước này.
Vào tháng 12.2021, Didi đã cúi đầu sau nhiều tháng chịu áp lực từ chính phủ Trung Quốc, cho biết sẽ hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York và niêm yết ở Hồng Kông.
Didi có kế hoạch để cho các cổ đông biểu quyết về quyết định này vào cuối tháng 5.2022.
Tuần này, Didi tiết lộ rằng đang phải đối mặt với áp lực bổ sung từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) liên quan đến việc vi phạm niêm yết của mình.
"Sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ, SEC đã liên hệ với chúng tôi và đưa ra các câu hỏi liên quan đến đợt chào bán", Didi cho biết trong báo cáo thường niên.
Do cựu Giám đốc tại tập đoàn Alibaba - Cheng Wei thành lập năm 2012, Didi chiếm lĩnh thị trường nước này sau khi đánh bại đối thủ Uber của Mỹ vào 2016.
Ứng dụng Didi có hơn 15 triệu tài xế, gần 500 triệu người dùng, là cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để gọi xe tại các thành phố đông dân của Trung Quốc.