Kính viễn vọng không gian James Webb bắt đầu kiểm tra lần cuối trước khi hoạt động
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:16, 07/05/2022
Các kỹ sư sắp thực hiện những chỉnh sửa cuối cùng đối với các thiết bị trên Kính viễn vọng không gian James Webb để sẵn sàng hoạt động vào mùa hè này. NASA cho biết kính viễn vọng có “các hiệu chuẩn và đặc điểm của thiết bị sử dụng nhiều nguồn thiên văn phong phú” để đảm bảo mọi thứ đều hoạt động trơn tru trước khi James Webb bắt đầu các khám phá về vũ trụ thuở sơ khai.
“Chúng tôi sẽ đo thông lượng của các thiết bị, đó là lượng ánh sáng đi vào kính thiên văn tới các thiết bị dò tìm và được ghi lại”, Scott Friedman, nhà khoa học chính của dự án James Webb tại Viện Kính viễn vọng Khoa học Không gian Baltimore, cho biết.
Mặc dù không có kính thiên văn nào có thể thu thập chính xác mọi photon đi qua nó, nhưng các kỹ sư vẫn muốn biết thông lượng ở một số bước sóng ánh sáng nhằm đánh giá hiệu suất của James Webb trong việc thu thập ánh sáng hồng ngoại, theo Friedman.
Friedman cũng nhấn mạnh việc vận hành “sắp hoàn tất” vì kính thiên văn đang trong 2 tháng cuối của quá trình triển khai kể từ khi ra mắt vào ngày 25.12.2021. “Khi các thiết bị được đánh giá đầy đủ, chúng tôi sẽ bắt đầu các chương trình khoa học tuyệt vời mà các nhà thiên văn cũng như công chúng đang háo hức chờ đợi”, Friedman chia sẻ.
Nhóm dự án đã phát hành một vài hình ảnh trong suốt quá trình vận hành và mục tiêu đáng chú ý sẽ sớm được tập trung vào đám mây Magellan Lớn. Mặc dù Friedman không cho biết liệu thiên hà hàng xóm với dải Ngân hà này có được đưa vào danh sách quan sát sớm hay không, nhưng ông lưu ý rằng kiểm tra thiên hà sẽ hữu ích cho việc hiệu chỉnh bất kỳ sự biến dạng nào của kính viễn vọng.
Kính viễn vọng James Webb cũng sẽ được đánh giá cao hơn nữa về độ sắc nét của hình ảnh thông qua các phân tích quang học của thiết bị. Friedman lưu ý các thiết bị đều hoạt động tốt nhưng các bộ lọc bổ sung và một công cụ gọi là “cách tử nhiễu xạ” (giúp phân tán ánh sáng thành các màu cấu thành) cũng sẽ được đánh giá.
Friedman nói thêm: “Trong các quan sát chuỗi thời gian, chúng tôi đo lường cách bầu khí quyển của hành tinh hấp thụ ánh sáng sao trong những giờ nó đi qua trước ngôi sao của nó. Điều này cho phép chúng tôi tìm hiểu các đặc tính và thành phần của bầu khí quyển của hành tinh”.
Hoạt động thử nghiệm cuối cùng sẽ là quan sát các mục tiêu chuyển động như hành tinh, vệ tinh, vành đai, tiểu hành tinh và sao chổi. Friedman chia sẻ: “Việc quan sát chúng đòi hỏi đài quan sát phải thay đổi hướng của nó so với các ngôi sao dẫn đường trong suốt quá trình quan sát. Chúng tôi sẽ kiểm tra khả năng này bằng cách quan sát các tiểu hành tinh có tốc độ biểu kiến khác nhau bằng cách sử dụng từng thiết bị”.
Video quá trình phóng Kính viễn vọng James Webb vào ngày 25.12.2021
Được thiết kế để thay thế kính viễn vọng Hubble, thiết bị mang tính biểu tượng của NASA và ESA trong hơn 3 thập kỷ hoạt động trên quỹ đạo, James Webb được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong công cuộc khám phá không gian với khả năng “nhìn ngược quá khứ” để khám phá tất cả các giai đoạn lịch sử của vũ trụ, kể từ vụ nổ Big Bang cách đây khoảng 13,8 tỷ năm.
Kính viễn vọng James Webb có hai nhiệm vụ khoa học chính (chiếm hơn 50% thời gian quan sát của nó). Nhiệm vụ đầu tiên là khám phá các giai đoạn đầu của lịch sử vũ trụ. Các nhà thiên văn học muốn xem những ngôi sao và thiên hà đầu tiên hình thành và phát triển như thế nào sau vụ nổ Big Bang. Mục tiêu lớn thứ hai là tìm kiếm các ngoại hành tinh hay hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Nó sẽ nghiên cứu bầu khí quyển của chúng để kiểm tra khả năng tồn tại hoặc hỗ trợ sự sống.