Béo phì có thể làm giảm hiệu quả vắc xin COVID-19, người nhiễm Omicron chưa tiêm phòng dễ tái nhiễm

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:18, 07/05/2022

Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý về vắc xin COVID-19 được công bố gần đây.

Béo phì có thể làm suy yếu khả năng bảo vệ của vắc xin ở những người chưa bao giờ nhiễm SARS-CoV-2

Theo một nghiên cứu nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ, béo phì nghiêm trọng có thể làm suy yếu hiệu quả của vắc xin COVID-19 ở những người chưa bao giờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu này, trong số những người chưa nhiễm SARS-CoV-2 đã được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech, bệnh nhân béo phì nặng có lượng kháng thể thấp hơn 3 lần so với những ai có cân nặng bình thường.

Trong số những người nhận vắc xin CoronaVac của Sinovac Biotech, những ai bị béo phì nặng và chưa có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có mức kháng thể thấp hơn 27 lần so với những người cân nặng bình thường, theo dữ liệu được trình bày tuần này tại Đại hội châu Âu về béo phì ở thành phố Maastricht, Hà Lan.

Để so sánh, trong 70 tình nguyện viên nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, mức độ kháng thể tương tự nhau ở những người có và không bị béo phì nặng.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh các đáp ứng miễn dịch với vắc xin ở 124 người tình nguyện bị béo phì nặng, được định nghĩa là BMI (chỉ số khối cơ thể) từ 40 trở lên, và 166 người có trọng lượng bình thường (BMI dưới 25).

130 người tham gia đã tiêm được hai liều vắc xin mRNA của Pfizer-BioNTech và 160 người nhận hai liều vắc xin bất hoạt của Sinovac.

Trong khi hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech có thể tạo ra nhiều kháng thể hơn đáng kể so với CoronaVac ở những người bị béo phì nặng thì vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định xem liệu các mức kháng thể cao hơn này có cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn chống lại COVID-19 hay không", trưởng nhóm nghiên cứu, Volkan Demirhan Yumuk từ Đại học Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết.

beo-phi-co-the-lam-suy-yeu-hieu-qua-vac-xin.jpg
Dù đã nhiễm Omicron vẫn nên tiêm vắc xin để tránh nguy cơ nhiễm biến thể khác

Người nhiễm Omicron chưa tiêm vắc xin có nguy cơ nhiễm các biến thể khác

Các nhà nghiên cứu Nam Phi phát hiện ra việc nhiễm Omicron có thể cải thiện đáng kể khả năng bảo vệ của hệ thống miễn dịch chống lại các biến thể khác nhưng chỉ ở những người đã tiêm vắc xin.

Ở những người chưa được tiêm vắc xin COVID-19, nhiễm Omicron chỉ cung cấp khả năng bảo vệ có giới hạn chống lại tái nhiễm, các nhà nghiên cứu Nam Phi báo cáo trên tạp chí Nature.

Ở 39 bệnh nhân nhiễm Omicron, trong đó có 15 người đã tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Johnson & Johnson, các nhà nghiên cứu đo khả năng tế bào miễn dịch trung hòa không chỉ Omicron mà còn cả các biến thể trước đó.

Trung bình 23 ngày sau khi các triệu chứng Omicron bắt đầu, bệnh nhân không được tiêm vắc xin có mức độ trung hòa BA.1 thấp hơn 2,2 lần so với những người được tiêm vắc xin; mức độ trung hòa BA.2 thấp hơn 4,8 lần; mức độ trung hòa Delta thấp hơn 12 lần, mức độ trung hòa biến thể Beta thấp hơn 9,6 lần và mức độ trung hòa chủng SARS-CoV-2 ban đầu thấp hơn 17,9 lần.

Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng cách về khả năng miễn dịch giữa những người chưa tiêm vắc xin và đã tiêm chủng "là điều đáng quan tâm".

Họ nói: “Đặc biệt khi khả năng miễn dịch suy yếu, những người chưa được tiêm vắc xin sau khi nhiễm Omicron có khả năng bảo vệ chéo kém chống lại các biến thể SARS-CoV-2 đang tồn tại và có thể xuất hiện trong tương lai. Ngụ ý là chỉ nhiễm Omicron không đủ để bảo vệ và nên tiêm vắc xin ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm Omicron cao để bảo vệ chống lại các biến thể khác".

Vắc xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca đều bảo vệ tốt chống lại COVID-19 nghiêm trọng

Trong khi vắc xin mRNA từ Pfizer-BioNTech và Moderna tạo ra mức kháng thể cao hơn để bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2, vắc xin dựa trên vectơ vi rút của AstraZeneca cung cấp khả năng bảo vệ tương đương ngăn nhập viện và tử vong do COVID-19, theo đánh giá của hàng chục nghiên cứu.

Một nhóm chuyên gia ở Đông Nam Á đã xem xét 79 nghiên cứu trước đây.

Cả hai loại vắc xin mRNA và vectơ vi rút nêu trên đều cho thấy hiệu quả hơn 90% ngăn nhập viện và tử vong do COVID-19, các thành viên tham gia hội thảo cho biết trong một báo cáo được đăng trên trang Research Square trước khi đánh giá đồng cấp.

"Mức độ cao của kháng thể được hình thành sau khi tiêm vắc xin COVID-19 thường được hiểu là hiệu quả vắc xin. Giờ đây, chúng tôi hiểu rằng mặc dù mức độ đáp ứng kháng thể ban đầu có thể khác nhau giữa các loại vắc xin, nhưng khả năng ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 của chúng là tương đương", theo thành viên hội đồng, Tiến sĩ Erlina Burhan, chuyên gia về bệnh phổi tại Đại học Indonesia.

Những phát hiện này cho thấy cơ quan y tế nên sử dụng bất kỳ loại vắc xin nào có thể tiếp cận và tối ưu cho tình hình địa phương của họ.

Một nghiên cứu riêng biệt được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy, dù vắc xin Moderna cung cấp khả năng bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2 nhiều hơn một chút so với vắc xin Pfizer-BioNTech nhưng "không có sự khác biệt nào về hiệu quả trong việc bảo vệ chống nhập viện, nhập viện chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong".

Sơn Vân