Khu CNC Hòa Lạc được kì vọng trở thành 'thung lũng Silicon' của Việt Nam
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 05:22, 28/07/2016
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu CNC Hòa Lạc được xác định là “Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNC tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp CNC, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNC”.
Với mục tiêu đặt ra, khu CNC buộc phải hội tụ các yếu tố cần thiết từ việc quy hoạch dài hạn, cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi… Đặc biệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu CNC này đang được xây dựng và phát triển bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD và dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng (năm 1998) cho đến nay, vì mô hình còn quá mới mẻ với Việt Nam nên không tránh khỏi những vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, tìm kiếm nguồn lực phát triển, xây dựng cơ chế chính sách… khiến tiến độ phát triển của khu CNC Hòa Lạc bị kéo dài.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương cho biết: Các khó khăn, vướng mắc và “rào cản” đối với sự phát triển của Khu CNC cũng được nhận định một cách đầy đủ và khách quan, việc đề xuất các định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới của Khu CNC thông qua cơ chế đặc thù cũng sát với thực tế hơn.
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có những chỉ đạo phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo những mục tiêu đề ra. Đến nay, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng về cơ bản thành phố khoa học Khu CNC Hòa Lạc hiện đã dần hình thành với những mục tiêu và định hướng rõ nét.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định cơ chế đặc thù cho khu CNC Hòa Lạc vừa được Bộ KH&CN đề xuất lên Chính phủ và được giới KHCN đánh giá là rất đồng bộ và đầy đủ, có thể tháo gỡ toàn bộ các khó khăn vướng mắc từ trước đến nay, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của các nhà đầu tư tại Khu CNC.
Giới KH&CN cũng cho rằng cơ chế này sẽ tạo động lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc. Thứ trưởng Phạm Đại Dương đánh giá, cơ chế đặc thù sẽ hội tụ đủ các yếu tố để cho khu CNC Hòa Lạc trở thành cái nôi của KHCN cũng như phát triển tiềm lực KHCN cho đất nước.
Cùng với đó, cơ chế này sẽ phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước và chức năng thị trường. Chính phủ sẽ chỉ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển thay vì tự mình làm tất.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ ngành, Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc.
Dự thảo Nghị định tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc và tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp.
Có thể nhìn thấy rõ, Dự thảo Nghị định này lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời xác định rõ vai trò và trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc sẽ được hưởng môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, thủ tục hành chính đơn giản, một cửa, tại chỗ và đặc biệt là chi phí đầu tư thấp nhất, kể cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,…
Hơn nữa, theo Ban quản lý Dự án Khu CNC Hòa Lạc ước tính đến năm 2020, tổng dân số ở đây sẽ là 229.000 người, trong đó dân số thường trú là trên 90.000 người tại Làng trí thức.
Làng trí thức tận dụng ưu thế về hạ tầng, địa hình, kiến trúc cảnh quan, có ngôn ngữ kiến trúc đặc trưng phù hợp với tầm nhìn phát triển đô thị hiện đại, bền vững; có công năng tiện nghi, hài hòa đáp ứng đúng nhu cầu sống của các chuyên gia và người lao động tri thức trình độ cao.
Thu Anh