Phá trên 4.000 mét vuông rừng, bị phạt bắt trồng lại rừng trong 10 ngày

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:30, 09/05/2022

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, UBND tỉnh Lâm Đồng còn buộc ông Trần Bi trong vòng 10 ngày - kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá tại xã Phúc Thọ.

Trồng lại rừng trong 10 ngày

Ngày 8.5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 162 triệu đồng đối với trường hợp phá rừng tại tiểu khu 286A xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.

Người bị xử phạt vi phạm hành chính trên là ông Trần Bi (SN 1982, trú tại tổ dân phố Pốt Pe, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà). Theo cơ quan chức năng, ông Bi đã thực hiện hành vi phá 4.186m2 rừng, thuộc đối tượng rừng sản xuất, hiện trạng rừng lồ ô - gỗ, tại khu vực lô e, khoảnh 4, tiểu khu 286A nằm trên địa bàn xã Phúc Thọ (H. Lâm Hà, Lâm Đồng), gây thiệt hại lâm sản 1.354 cây lồ ô.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, UBND tỉnh Lâm Đồng còn buộc ông Trần Bi trong vòng 10 ngày - kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá tại xã Phúc Thọ.

Chi Cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết trong quý 1/2022, tổng diện tích lấn, chiếm đất lâm nghiệp mới là 57 vụ, diện tích 192.022m2 (19,202ha), trong đó, đã giải tỏa 177.823m2 (chưa trồng rừng). So sánh cùng kỳ năm 2021, số vụ tăng 42 vụ (tương ứng tăng 100%), diện tích lấn, chiếm tăng 167.172m2 (tương ứng tăng 100%).

Tổng diện tích tái lấn, chiếm đất lâm nghiệp 8 vụ, với diện tích 25.406m2 (2,540 ha), trong đó, đã giải tỏa 25.406m2 (đã trồng rừng 200 m2). So sánh với cùng kỳ năm 2021 giảm 4 vụ (tương ứng giảm 33%), diện tích tái lấn, chiếm giảm 31.371m2 (tương ứng giảm 55%).

Trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; tập trung rà soát, xử lý các vụ phá rừng; trước mắt tập trung rà soát xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn. Đồng thời, giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới.

Đà Lạt bắt đơn vị phạm trồng lại thông

Trước đó, ngày 6.5, UBND TP Đà Lạt cho biết đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 25 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tí Nị về hành vi tự ý đổ vật liệu xây dựng vào các gốc cây làm nhiều cây thông chết đứng.

Công ty TNHH Tí Nị, đơn vị chủ dự án khu biệt thự du lịch, số 4 Khởi Nghĩa Bắc Sơn, TP Đà Lạt được cho đã tự ý đổ vật liệu xây dựng, xây quây các gốc cây xanh, làm nhiều cây thông 3 lá nằm trong khuôn viên dự án chết đứng.

Theo biên bản kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng, cây xanh giao cho dự án khu biệt thự du lịch quản lý của cơ quan chức năng TP.Đà Lạt ngày 20.4, có 9 cây thông ba lá đường kính gốc thông từ 35 - 52cm, cao từ 17 - 20m bị xây quây kín gốc, bị chặt rễ đã chết khô.

Ngoài bị phạt tiền, UBND TP Đà Lạt còn buộc Công ty TNHH Tí Nị phải khôi phục tình trạng ban đầu và trồng lại 45 cây thông 3 lá cao từ 1,2 - 1,5 m trong khuôn viên dự án khu biệt thụ du lịch tại số 4 Khởi Nghĩa Bắc Sơn, TP.Đà Lạt.

Theo thống kê của UBND thành phố Đà Lạt, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 357 vụ lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 44,59 ha.

UBND các phường xã, đơn vị chủ rừng đã phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý vi phạm 176 trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm với diện tích là 18,67ha, xử lý vi phạm hành chính 1.149 triệu đồng và giải tỏa trực tiếp 181 vụ với diện tích 25,91ha. Các diện tích giải tỏa, thu hồi bị lấn chiếm, tái lấn chiếm trái phép được bàn giao cho đơn vị chủ rừng để có biện pháp quản lý chống tái lấn chiếm và trồng lại rừng.

Hồ Đông