Mất ngủ làm biến đổi cơ cấu chất xám trong não
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:41, 26/07/2016
Theo Times of India, các nhà khoa học Mỹ đã phân tích dữ liệu của 72 công trình nghiên cứu với sự tham gia của 50.000 người tình nguyện. Kết quả cho thấy ngủ ít hoặc mất ngủ cũng như ngủ quá nhiều trên 8 giờ/ngày đều làm tăng các chỉ số viêm nhiễm trong cơ thể.
Nhà nghiên cứu Michael Irwin ở Đại học California, Los Angeles, cho rằng các trường hợp đều làm tăng protein phản ứng CRP cũng như interleukin-6 (IL-6), dẫn đến việc tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tim, huyết áp và tiểu đường thể 2.
Trong khi đó, một bài viết trên tạp chí Radiology của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy tình trạng mất ngủ trên 1 tháng tác động xấu đến cơ cấu chất xám trong não, đến mối liên hệ giữa các phần não khác nhau. Hậu quả là người bị mất ngủ thường xuyên mệt mỏi, tâm trạng vui buồn thất thường, khả năng nhận thức suy giàm, một số trường hợp bị trầm cảm và rối loạn tâm lý.
Các nhà khoa học đã chụp cộng hưởng từ não của 23 người mất ngủ và quét não 30 người không mất ngủ để đối chứng. Kết quả nhóm người mất ngủ, cơ cấu chất xám trong não bị phá vỡ, trước hết là ở bán cầu não phải, đặc biệt là những bộ phận có liên quan đến nhận thức, giấc ngủ và sự tập trung chú ý…
Theo Medical News Today, đối với những người mất ngủ kinh niên, các nhà khoa học ở Đại học Pennsylvania khuyên hãy ít nằm trên giường và họ khẳng định phương pháp này đã giúp ích cho 70-80 % số người chớm bị mất ngủ, không cho bệnh tiến triển thành mất ngủ kinh niên.Chẳng hạn, nếu đi ngủ vào 23:00, muốn tỉnh dậy vào 07:30 nhưng 05:30 đã tỉnh thì dứt khoát phải vùng dậy và bắt đầu ngày mới. Các nhà khoa học gọi đây là liệu pháp hành vi nhận thức để mất ngủ không lặp lại.
Vũ Trung Hương