Căng thẳng với Nga do khủng hoảng Ukraine, Mỹ tăng cường điều tra bảo mật với Kaspersky Lab

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:58, 10/05/2022

Chính quyền Biden đã tăng cường điều tra an ninh quốc gia với phần mềm anvirus của hãng Kaspersky Lab trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với Nga, theo Reuters.

Nguồn tin của Reuters cho biết vụ việc đã được Bộ Tư pháp Mỹ chuyển đến Bộ Thương mại vào năm ngoái. Thế nhưng, Bộ Thương mại Mỹ đã đạt được rất ít tiến triển cho đến khi Nhà Trắng và các quan chức chính quyền Biden khác thúc giục họ tiến hành vào tháng 3.2022.

Vấn đề được Mỹ đặt ra là nguy cơ Điện Kremlin có thể sử dụng phần mềm antivirus, có đặc quyền truy cập vào hệ thống của máy tính, để lấy cắp thông tin nhạy cảm từ máy tính Mỹ hoặc giả mạo chúng khi căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây.

Ba nguồn tin cho biết, việc truy cập vào mạng lưới của các nhà thầu liên bang và các nhà điều hành cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ như lưới điện được coi là mối quan tâm đặc biệt.

Các nhà quản lý Mỹ đã cấm chính phủ liên bang sử dụng phần mềm Kaspersky Lab (công ty có trụ sở tại thủ đô Moscow, Nga) và cuối cùng có thể buộc công ty thực hiện các biện pháp để giảm rủi ro do các sản phẩm này gây ra hoặc cấm người Mỹ sử dụng chúng hoàn toàn.

Cuộc điều tra cho thấy chính quyền Biden đang tập trung đối phó Nga trong nỗ lực bảo vệ công dân và tập đoàn Mỹ khỏi các cuộc tấn công mạng từ Nga.

Các cơ quan quản lý khác không còn quyền hạn cho phép chính phủ chặn khu vực tư nhân sử dụng phần mềm do Kaspersky Lab sản xuất, vốn bị giới chức Mỹ từ lâu coi là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia.

Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp Mỹ và Kaspersky Lab từ chối bình luận. Kaspersky Lab trong nhiều năm đã phủ nhận hành vi sai trái hoặc bất kỳ mối quan hệ hợp tác bí mật nào với tình báo Nga.

cuoc-chien-o-ukraine-thuc-day-my-tang-cuong-dieu-tra-bao-mat-voi-kaspersky-lab.jpg
Gian hàng Kaspersky Lab tại triển lãm Mobile World Congress ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 2.3.2022 - Ảnh: Reuters

Cuộc điều tra tăng cường đang được chính phủ Mỹ thực hiện bằng cách sử dụng nhiều quyền lực mới do chính quyền Trump tạo ra, cho phép Bộ Thương mại Mỹ cấm hoặc hạn chế các giao dịch giữa các công ty Mỹ với các công ty internet, viễn thông và công nghệ từ quốc gia "đối thủ nước ngoài", gồm cả Nga và Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ có thể sử dụng quyền lực để cấm sử dụng phần mềm của Kaspersky Lab, cấm công dân Mỹ mua phần mềm của hãng này hoặc cấm tải xuống các bản cập nhật thông qua một quy định trong sổ đăng ký liên bang.

Các công cụ phần lớn chưa được kiểm tra. Cựu Tổng thống Donald Trump từng sử dụng chúng để cố gắng cấm người Mỹ sử dụng các nền tảng mạng xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc, nhưng các tòa án liên bang đã ngăn chặn động thái này.

Năm ngoái, quan chức hàng đầu Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này đang kiểm tra hàng chục công ty Nga, bao gồm cả "mối liên hệ đã biết giữa một công ty cụ thể và các dịch vụ tình báo Nga", để xem liệu họ có đe dọa chuỗi cung ứng của Mỹ không.

Bộ Tư pháp Mỹ có thể chuyển một số trường hợp cho Bộ Thương mại để có hành động tiếp theo. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - John Demers cho biết thông tin này vào thời điểm đó.

Reuters không biết liệu các công ty đang được xem xét có Kaspersky Lab không. Kaspersky Lab tạo ra doanh thu ước tính 95,3 triệu USD ở Mỹ vào năm 2020 theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, chiếm gần 15% doanh thu toàn cầu của hãng trong năm đó. Không rõ con số đó có bao gồm các sản phẩm của Kaspersky Lab được bán bởi các bên thứ ba dưới các nhãn hiệu khác nhau không - hoạt động gây nhầm lẫn về nguồn gốc phần mềm, theo các quan chức an ninh quốc gia Mỹ.

Vào năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cấm sản phẩm antivirus hàng đầu của Kaspersky Lab khỏi các mạng liên bang vì cáo buộc có quan hệ với tình báo Nga. Bộ An ninh Nội địa Mỹ lưu ý một luật của Nga cho phép các cơ quan tình báo của họ buộc Kaspersky Lab phải hỗ trợ Kaspersky Lab và chặn các liên lạc truyền qua các mạng Nga.

Mối đe dọa được nhận thức đã trở nên cấp bách hơn kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24.2.

Vào tháng 3.2022, các nhà chức trách Đức cảnh báo Điện Kremlin có thể ép buộc Kaspersky Lab tham gia vào các cuộc tấn công mạng hoặc các đặc vụ chính phủ Nga có thể lén lút sử dụng công nghệ của hãng này để thực hiện các cuộc tấn công mạng mà họ không hề hay biết.

Sau đó, Kaspersky Lab nói họ là công ty do tư nhân quản lý không có quan hệ với chính phủ Nga và mô tả cảnh báo của Đức là có động cơ chính trị.

Reuters đã đưa tin rằng chính quyền Biden đã bắt đầu cảnh báo riêng một số công ty Mỹ vào ngày 25.2 rằng Nga có thể thao túng phần mềm do Kaspersky Lab tạo ra để gây hại.

Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng trước rằng Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt chống lại Kaspersky Lab. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ lo ngại rằng việc trừng phạt Kaspersky Lab có thể làm tăng nguy cơ bị Nga tấn công mạng.

Sơn Vân