Người tiêu dùng được mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:26, 10/05/2022

Bộ Công Thương sẽ thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách sử dụng điện lớn.

Thí điểm mua bán điện trực tiếp

Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến góp ý của người dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

3.jpg

Dự thảo nêu rõ về quy mô thí điểm mua bán điện trực tiếp. Theo đó, tổng công suất các nhà máy điện tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW.

Hình thức, thời hạn đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp như sau: Một đơn vị phát điện và một khách hàng hoặc liên danh khách hàng cùng nhau chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký theo hình thức đăng tải các tài liệu trong hồ sơ đăng ký (dạng file điện tử) trên cổng đăng ký của trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp do Bộ Công Thương công bố đồng thời gửi 1 bản giấy bằng phương thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính theo hướng dẫn trên trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Thời hạn thực hiện đăng ký là 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp. Cổng đăng ký được đóng lại khi hết thời hạn đăng ký.

Thời điểm xác nhận đăng ký thành công được xác định căn cứ theo hệ thống đếm giờ và thư điện tử xác nhận đăng ký thành công của cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Giai đoạn chuẩn bị: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày công bố thí điểm mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp, các đơn vị phát điện và khách hàng chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký tham gia trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp theo quy định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm kiểm tra khả năng bị giới hạn công suất phát điện của các nhà máy điện tại thời điểm đăng ký vào vận hành thương mại.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày đóng cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đánh giá, lựa chọn và công bố danh sách các đơn vị phát điện và khách hàng tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Giai đoạn vận hành thí điểm: Trong thời gian cam kết tính từ ngày danh sách các đơn vị phát điện và khách hàng được lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp được công bố, các đơn vị phát điện và khách hàng hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hợp đồng liên quan, hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo và đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại, tham gia thị trường điện để chính thức thực hiện các giao dịch theo nguyên tắc vận hành thí điểm mua bán điện trực tiếp quy định.

Căn cứ kết quả vận hành các giao dịch theo nguyên tắc vận hành thí điểm mua bán điện trực tiếp trong thời hạn 1 năm tính từ ngày kết thúc thời hạn các đơn vị phát điện đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện, Bộ Công Thương đánh giá các khía cạnh về thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý, đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.

Trước đó, tập đoàn Samsung đã đề xuất được Bộ Công Thương hướng dẫn hỗ trợ trong việc triển khai thí điểm cơ chế cơ chế mua bán điện trực tiếp. Nếu đề xuất được chấp thuận thì Samsung có thể mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo mà không phải thông qua EVN.

Các bên cùng có lợi

Sau khi cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp được triển khai, việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ cho phép người tiêu dùng hộ gia đình được mua điện trực tiếp từ các đơn vị bán lẻ, với mức giá có tăng và có giảm.

Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc đưa vào thí điểm cơ chế này cũng là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Với cơ chế mua bán điện trực tiếp, nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện, nhất là những doanh nghiệp lớn có cam kết quốc tế, tuyên bố về việc sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất. Từ đó góp phần thu hút đầu tư tư nhân vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường. Như vậy, cơ chế này giúp bên mua điện là những doanh nghiệp sử dụng điện tiếp cận được với nguồn năng lượng sạch, đáp ứng các cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, đây cũng có thể là một lối thoát cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo trong bối cảnh bùng nổ các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thời gian qua dẫn đến sản lượng dư thừa, nhiều dự án buộc phải cắt bớt công suất.

Đặc biệt, khi có thêm sự tham gia của các nhà máy năng lượng tái tạo, việc vận hành thị trường bán lẻ càng đa dạng nguồn cung lựa chọn cho khách hàng, tăng tính cạnh tranh và cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia cũng dễ điều tiết, dự báo hơn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng để triển khai và vận hành có hiệu quả thị trường bán lẻ cạnh tranh, Nhà nước cần phải tách bạch chi phí phân phối điện và chi phí bán lẻ điện. Trong khi Luật Điện lực và Luật Giá chưa quy định chi phí phân phối điện, nên cần phải bổ sung các quy định này. Hiện trong cơ cấu giá hiện mới chỉ tách được phí truyền tải, còn các chi phí như: dịch vụ phụ trợ, phân phối, quản lý... thì chưa có.

Bên cạnh đó, khi lựa chọn mô hình thí điểm mua bán điện cạnh tranh cũng cần quan tâm đến các tác động về kinh tế, chi phí, các vấn đề về thuế. Mặc dù cơ chế này hấp dẫn với các nhà đầu tư và khách hàng mua điện lớn và phù hợp các cấu trúc thị trường điện hiện hành trong tương lai nhưng cần rà soát kỹ hơn về pháp lý, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý ngành.

Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch để từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia thị trường bán lẻ theo quy mô tiêu thụ điện và theo cấp điện áp từ cao xuống thấp.

Trong đó, bước đầu tiên là thí điểm cơ chế cho phép các khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng song phương trực tiếp với các nguồn điện năng lượng tái tạo, tiến tới mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn (cấp điện áp 110 kV) được trực tiếp mua điện trên thị trường giao ngay. Cuối cùng là các khách hàng bán lẻ điện quy mô nhỏ hơn được thay đổi đơn vị bán lẻ điện.

Tuyết Nhung