RuTube ngừng hoạt động 3 ngày liền do bị hack: Lý do Nga chưa chặn YouTube?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:23, 11/05/2022

RuTube, trang web lưu trữ video của Nga tương tự YouTube, vẫn chưa hoạt động ngày thứ ba liên tiếp do bị tê liệt bởi một cuộc tấn công mạng đến nay.

Điều này khiến các nhóm chuyên gia an ninh mạng bối rối và đặt câu hỏi về độ bền dịch vụ được xem là YouTube của Nga.

Nga từ lâu đã tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng internet trong nước, thậm chí tự ngắt kết nối với internet toàn cầu trong các cuộc thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái. Thế nhưng, nhu cầu tăng cường các giải pháp công nghệ của Nga đã trở nên cấp bách hơn kể từ khi phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có với nước này sau cuộc chiến ở Ukraine.

Khi truy cập, trang RuTube hiện nền màu đen với dòng chữ ngắn: "Chú ý! Trang web đang được xử lý kỹ thuật. Trang web đã bị tấn công. Hiện tại, tình hình đã được kiểm soát. Dữ liệu người dùng đã được cứu", kèm đường link dẫn đến kênh Telegram của RuTube.

rutube-ngung-hoat-dong-3-ngay-lien-vi-bi-hack.jpg
Thông báo lỗi khi truy cập RuTube

RuTube hôm 11.5 thông báo đã điều động một số chuyên gia khác nhau để điều tra vụ tấn công và sửa chữa thiệt hại, bao gồm cả một nhóm từ Trung tâm Bảo mật Chuyên gia của công ty an ninh mạng Positive Technologies (Nga), nơi họ cho biết đã làm việc với các vấn đề trong hai ngày qua.

Alexander Moiseev, Giám đốc điều hành RuTube, nói giai đoạn đầu tiên của việc khôi phục chức năng đã hoàn tất và công ty dự định sẽ tiếp tục lưu trữ video vào cuối ngày 11.5.

Tờ báo Vedomosti trích dẫn lời Alexei Novikov, Giám đốc điều hành Positive Technologies, nói rằng RuTube đã bị tấn công có chủ đích nhằm vô hiệu hóa dịch vụ và có thể mất tới ba tuần để điều tra, phản hồi về quy mô vụ hack.

Denis Goidenko, người đứng đầu bộ phận ứng phó với các mối đe dọa bảo mật thông tin của Positive Technologies, cho biết trong một đoạn video trên Telegram: “Chúng tôi phải nắm rõ bộ công cụ cơ bản mà hacker đang sử dụng. Còn rất nhiều việc phải làm vì cơ sở hạ tầng của RuTube khá lớn và phức tạp".

Sự việc trên chỉ ra lý do Nga vẫn phụ thuộc vào YouTube, có khoảng 90 triệu người dùng hàng tháng trong nước và đưa ra manh mối vì sao Nga vẫn chưa chặn dịch vụ video của Mỹ như từng làm với các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instragram.

Anton Gorelkin, Phó trưởng Ủy ban Quốc hội Duma Quốc gia về chính sách thông tin, cho biết ông mong đợi hoạt động của RuTube sẽ khôi phục trở lại vào ngày 11.5, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc RuTube có thể chống lại các vụ hack trong tương lai.

"Tôi nghĩ công ty sẽ rút ra kết luận từ câu chuyện này và nghiêm túc xem xét lại cách tiếp cận để bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình. Chúng tôi cần trang web lưu trữ video quốc gia mạnh mẽ của riêng mình", Anton Gorelkin viết trên Telegram.

Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng chặn Facebook, Instagram

Hôm 11.5, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LNR) do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine thông báo đã chặn quyền truy cập vào Facebook và Instagram, phù hợp với chính sách của Nga với hai mạng xã hội có trụ sở tại Mỹ.

Nga công nhận hai khu vực ly khai là độc lập vào ngày 21.2 và ba ngày sau đó tiến hành cuộc tấn công quy mô toàn diện vào Ukraine mà họ gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm một phần bảo vệ những người nói tiếng Nga ở đó.

Cơ quan truyền thông của DNR cho biết: “Quyền truy cập vào các nguồn thông tin của công ty Meta (Mỹ), cho phép kêu gọi bạo lực với người dùng nói tiếng Nga trên mạng xã hội của họ, đã bị chặn. Vì lý do này, quyền truy cập vào các mạng xã hội Facebook và Instagram bị chặn trên lãnh thổ của chúng tôi".

Trong một tuyên bố riêng, Cơ quan truyền thông của LNR cũng thông báo đã chặn quyền truy cập vào Facebook và Instagram.

Meta Platforms không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về chuyện trên.

Nga đã cấm Facebook và Instagram vào tháng 3.2022 sau khi một tòa án kết luận Meta Platforms là “tổ chức cực đoan". Nga đã chặn Facebook vì hạn chế quyền truy cập của các phương tiện truyền thông Nga vào nền tảng này.

Cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Nga đã chặn quyền truy cập vào Instagram vào tháng 3.2022 sau khi Meta Platforms thông báo sẽ cho phép người dùng mạng xã hội ở Ukraine đăng lời nói căm thù với lính và lãnh đạo Nga.

Meta Platforms cho biết sự thay đổi tạm thời trong chính sách về lời nói căm thù của họ chỉ áp dụng cho Ukraine.

Nga đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Donetsk và Luhansk, được gọi chung là Donbas, kể từ năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea.

Hai khu vực này nhận được hỗ trợ tài chính từ Nga, sử dụng đồng rúp của Nga làm tiền tệ của họ và giảng dạy chương trình giảng dạy tiếng Nga trong trường học.

Sơn Vân