Cần xóa bỏ bao cấp để phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:19, 12/05/2022
Sản phẩm văn hóa Việt “lép vế”
Công nghiệp văn hoá là khái niệm được một số nước phát triển đưa ra trong những năm gần đây. Hiểu đơn giản, công nghiệp văn hoá là sự kết hợp toàn diện giữa văn hóa, nghệ thuật và kinh tế.
Tại Việt Nam, theo thống kê xuất khẩu sản phẩm văn hoá năm 2013 đạt hơn 493 triệu USD; năm 2016 đạt hơn 912 triệu USD; năm 2019 đạt hơn 2 tỉ USD… Đây là con số còn khá khiêm tốn.
TS Nguyễn Thị Quý Phương, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế QP Việt Nam nhận định, nhìn ra thế giới, bức tranh công nghiệp văn hóa chính là chân dung quyền lực mềm của các quốc gia phát triển.
Trong khi đó, sự “lép vế” của các sản phẩm văn hóa Việt Nam trước các sản phẩm văn hóa ngoại nhập có thể nhìn thấy ngay trên sóng truyền hình quốc gia: Giai đoạn 2015-2020, gần 62% phim chiếu trên sóng VTV3 là phim nhập khẩu hoặc phim dựng từ kịch bản mua bản quyền nước ngoài. Trong đó, phim Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tỷ lệ 79%.
Nói về giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, bà Phương cho rằng, việc khuyến khích sự phát triển, tôn trọng khả năng tự tổ chức của xã hội công nghiệp và thúc đẩy cơ chế tự điều chỉnh của thị trường là một biện pháp quan trọng để chuyển đổi chức năng của Chính phủ từ quản lý sang kiến tạo; đồng thời tạo nên động lực phát triển từ sức mạnh nội sinh của từng chủ thể công nghiệp văn hóa.
Đồng thời, theo bà Phương, doanh nghiệp phải là chủ thể của công nghiệp văn hóa. Ví dụ ông chủ khách sạn Hollywood và các hãng phim tư nhân nhỏ vào những năm đầu của thế kỷ 20 đến Bervely Hills đã dựng nên tiền đề cho kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood với vị thế hàng đầu trong suốt hơn 100 năm qua.
Bởi vậy, tất cả các quốc gia lấy công nghiệp văn hóa làm trọng tâm phát triển đều bắt đầu bằng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh. Đồng thời ban hành những chính sách thu hút các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư vào công nghiệp văn hóa, để tạo nên những tập đoàn công nghiệp văn hóa có tầm hoạt động toàn cầu làm đầu tàu dẫn dắt cả cộng đồng doanh nghiệp.
Ví dụ như CJ, từ một công ty sản xuất đường ăn - sau 20 năm đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp văn hóa - đã trở thành doanh nghiệp định hình việc ăn, mặc, nghe, xem, chơi của hàng triệu người dân Hàn Quốc và châu Á, và là 1 cheabol dẫn dắt làn sóng Hallyu lan tỏa những giá trị văn hóa Hàn Quốc trên khắp hành tinh.
“Nếu không có doanh nghiệp nghìn tỉ trong công nghiệp văn hóa, chúng ta sẽ không thể có nền công nghiệp văn hóa “tỉ đô””, bà Phương nói.
Xóa bỏ bao cấp trong văn hóa – nghệ thuật
Một giải pháp nữa, theo bà Phương, cần phát triển con người công nghiệp văn hóa trưởng thành, tự chủ, tự tôn. Theo đó, cần quyết liệt xóa bỏ bao cấp, cơ chế xin cho trong các ngành văn hóa nghệ thuật, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để các chủ thể có năng lực phát huy hết tiềm năng và nội lực sáng tạo của mình.
“Nguồn nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam phải là nguồn nhân lực tinh nhuệ có năng lực cạnh tranh sòng phẳng theo các quy luật của thị trường. Cơ chế xin cho và các dự án văn hóa nghệ thuật sử dụng ngân sách nhà nước không qua đấu thầu công bằng, bỏ qua các tiêu chuẩn phù hợp với thời đại và các quy luật của thị trường sẽ tạo nên những nghệ sĩ bảo thủ, lệ thuộc”, bà Phương nhấn mạnh.
Về cơ chế, chính sách, bà Phương cho rằng trong một thế giới phẳng, viễn thông đã xóa tan những biên giới văn hóa, thông tin thì hơn bao giờ hết, những chính sách bảo vệ sản phẩm văn hóa nội địa trước sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa ngoại lai càng trở nên cần thiết.
“Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều có những quy định về tỷ lệ phim nhập khẩu/nội địa ra rạp. Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn ban hành lệnh cấm nhập khẩu tác phẩm điện ảnh nước ngoài trong tháng 7, góp phần tạo nên những kỷ lục doanh thu phim nội địa, tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất phim trong nước; hay tạo dựng biên giới thuế quan và bản quyền, quy định tôn trọng đức tin và văn hóa bản địa đối với các OTT ngoại…”, bà Phương nêu.
TS Quý Phương cũng cho rằng cần có các chính sách thu hút trí tuệ toàn cầu, ngăn chặn chảy máu chất xám trong các ngành sáng tạo văn hóa. Theo đó, có thể áp thuế nhập khẩu bản quyền cao với các dự án mua bản quyền nội dung sáng tạo từ nước ngoài; đồng thời với việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nguồn thu từ sáng tác, thiết kế được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam để thu hút nhân sự chất lượng cao…
Một vấn đề quan trọng khác là cần bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và tôn vinh trí tuệ Việt. Thực tế, chỉ riêng trong năm 2017, xuất khẩu K-Pop của Hàn Quốc đã đưa bản quyền âm nhạc thành “mặt hàng” đặc biệt có giá trị xuất siêu khoảng 5 tỉ USD. Doanh thu đó đến từ các hoạt động xuất khẩu bản quyền, phân phối, bán và cho thuê bản quyền âm nhạc, trong khi đây là những quyền chưa có quy định cụ thể để được bảo hộ ở Việt Nam.
Ở góc độ đào tạo nhân lực gắn với công nghiệp văn hóa, Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho rằng cần phải thay đổi tư duy đào tạo nghệ thuật, bắt đầu từ giáo trình giảng dạy, đến phương thức giảng dạy.
“Xem người học là chủ thể của sáng tạo, giải phóng những hạn chế đối với khả năng phong phú của người học. Thay vì chỉ dừng lại ở việc đào tạo dập khuôn, hãy để người học tiếp cận kiến thức một cách tự nguyện, theo cảm nhận sáng tạo của riêng họ. Từ đó mỗi người học tốt nghiệp, ngoài kiến thức căn bản, còn có một giá trị thế mạnh cá nhân riêng biệt”, ông Hùng nói.
Đồng thời, theo ông Hùng, các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật cần gắn chặt đào tạo với nhu cầu của xã hội; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Thông qua hợp tác nhà trường – doanh nghiệp, người học được tham gia nhiều hơn vào các chương trình, hoạt động thực tế, các hoạt động kinh doanh văn hoá, nghệ thuật của công nghiệp văn hóa. Mặt khác, thông qua hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường chủ động được quy trình thực tập cho người học. Quan hệ này làm cho nhà trường và doanh nghiệp cùng khai thác được những lợi ích.