Quan hệ Philippines và Trung, Mỹ sẽ thay đổi dưới thời tân Tổng thống Marcos Jr?

Quốc tế - Ngày đăng : 11:36, 12/05/2022

Chiến thắng quyết định của chính trị gia Ferdinand Marcos Jr trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines đầu tuần qua sẽ tái định hình mối quan hệ giữa nước này với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Chính trị gia Marcos Jr có quan hệ lâu dài với Trung Quốc. Ông mong muốn đạt được một thỏa thuận về tranh chấp Biển Đông với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Quan hệ với Mỹ của ông phức tạp hơn. Ông từng từ chối hợp tác với tòa án quận ở Hawaii vào năm 1995, tòa yêu cầu gia đình Marcos bồi thường 2 tỉ USD cho các trường hợp bị xâm phạm nhân quyền dưới thời cố Tổng thống Ferdinand Marcos (cha ông).

Philippines có vai trò quan trọng trong cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung. Lãnh thổ trên biển của họ chiếm một phần Biển Đông – tuyến hàng hải chiến lược, giàu tài nguyên mà Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý.

Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách chủ quyền trên Biển Đông phi lý của Bắc Kinh. Nhưng ông Marcos Jr trong nhiều cuộc phỏng vấn lúc tranh cử lại tuyên bố phán quyết “không hiệu quả” vì Trung Quốc không công nhận, vì vậy ông sẽ tìm cách đạt thỏa thuận song phương để giải quyết bất đồng.

“Nếu để Mỹ vào thì bạn biến Trung Quốc thành kẻ thù. Tôi nghĩ chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc. Trên thực tế, người ở Đại sứ quán Trung Quốc là bạn tôi. Chúng tôi đã bàn bạc về chuyện này”, chính trị gia Marcos Jr nói với đài phát thanh DZRH.

Chuyên gia an ninh sống tại Manila Rommel Banlaoi đánh giá chính trị gia Marcos Jr muốn xây dựng quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng không nhượng bộ về lãnh thổ.

Theo chuyên gia Banlaoi: “Ông ấy sẵn sàng tham vấn trực tiếp và đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết bất đồng. Ông ấy cũng sẵn sàng "khám phá" các lĩnh vực hợp tác thực tế với Trung Quốc, trong đó có phát triển khí đốt tự nhiên và dầu ở biển Tây Philippines”.

Biển Tây Philippines là tên gọi được Manila dùng để chỉ vùng biển nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 370 km của Philippines trên Biển Đông. Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách với vùng biển này. Tại đây thường xuyên xảy ra chạm trán giữa tàu hai nước.

uot5pkm3c5j6dmlbjyfi7rhyme.jpg
Chính trị gia Ferdinand Marcos Jr - Ảnh: Reuters

Kỷ niệm đẹp về các chuyến đi Trung Quốc

Ngoài dự định đạt một thỏa thuận về tranh chấp Biển Đông, ông Marcos Jr cũng muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc cho chương trình xây hạ tầng đầy tham vọng của ông.

Cố Tổng thống Ferdinand Marcos nắm quyền suốt 20 năm, là đồng minh thân thiết của Mỹ nhưng bắt đầu thân thiết hơn với Trung Quốc kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975.

Năm 1974, ông Marcos Jr - khi đó mới 18 tuổi - cùng mẹ là bà Imelda đến Bắc Kinh trong một chuyến đi lịch sử mở đường cho nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong một bức điện gửi đến Washington D.C. vào tháng 3.2017 mà tổ chức WikiLeaks có được, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines báo cáo chính trị gia Marcos Jr thường xuyên đến Trung Quốc vào năm 2005 và 2006.

Tháng 4.2017, Trung Quốc mở lãnh sự quán ở thành phố Laoag thuộc tỉnh Ilocos Norte, nơi chính trị gia Marcos Jr làm Thống đốc. Dân số Laoag chỉ vào khoảng 102.000 người nhưng lại là nơi đặt một trong hai lãnh sự quán Trung Quốc, bên cạnh đại sứ quán tại Manila.

Vẫn phải giữ quan hệ đồng minh với Mỹ

Thời gian gần đây Mỹ tăng cường mạnh mẽ hiện diện tại Đông Nam Á để đối phó “hoạt động ép buộc và gây hấn” của Trung Quốc. Trong hai tháng 4 và 5.2022, Washington cử hơn 5.000 quân tập trận chung với lực lượng Philippines – lớn nhất trong 7 năm qua.

Nhà phân tích Renato Cruz De Castro thuộc Đại học De la Salle chỉ ra rằng, hoạt động tập trận chung cho thấy nhu cầu chiến lược đã buộc Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte xây dựng mối quan hệ bền chặt với Mỹ mặc dù ông không ưa Washington. Lúc đắc cử, Tổng thống Duterte từng kêu gọi “tách khỏi” Mỹ và thân Trung Quốc hơn.

“Duterte nhận ra dù có xoa dịu hay thách thức Trung Quốc thì Trung Quốc vẫn có chiếm lấy lãnh thổ trên biển của Philippines. Marcos Jr có thể có vài vấn đề với Mỹ nhưng ông ấy cũng sẽ phải đối mặt với nhiều ràng buộc từ đội ngũ quan chức cùng lực lượng vũ trang – những người coi trọng liên minh Philippines - Mỹ”, theo nhà phân tích Castro.

Ngày 10.5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố hiện còn quá sớm để bình luận về kết quả cuộc bầu cử ở Philippines hoặc tác động của nó đối với các mối quan hệ. Tuy nhiên ông khẳng định Washington mong muốn làm mới quan hệ song phương, sẵn sàng làm việc với tân chính quyền Philippines.

Chính trị gia Marcos Jr chưa hề sang Mỹ trong suốt 15 năm qua do hàng loạt phán quyết mà tòa án Mỹ đưa ra về đền bù cho các trường hợp bị xâm phạm nhân quyền dưới thời cha ông.

Bộ Ngoại giao cùng Bộ Tư pháp Mỹ không đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Có khả năng chính trị gia Marcos Jr được hưởng miễn trừ theo thông lệ.

Theo chuyên gia Greg Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS): “Chiến thắng của Marcos Jr chắc chắn khiến nhiều người ở Washington thất vọng. Tuy vậy thực tế là quan hệ Philippines - Mỹ quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác, Mỹ cần tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ”.

Chuyên gia Banlaoi cũng dự đoán chính trị gia Marcos Jr sẽ duy trì liên minh với Washington, nhưng để ngỏ nhiều lựa chọn khác.

Cẩm Bình