Kissinger dự đoán ra sao về khả năng kết thúc cuộc xung đột Ukraine?
Quốc tế - Ngày đăng : 15:23, 12/05/2022
Đó là tiên đoán của cựu ngoại trưởng Mỹ từng phục vụ dưới hai nhiệm kỳ Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford trong những năm 1970, khi phát biểu với báo Anh Financial Times.
Kissinger đã đóng một vai trò then chốt trong việc định hình chính sách ngoại giao Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong việc làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô, và đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon.
Kissinger đã kể với tờ báo làm cách nào ông đã thành công trong việc tách Moscow khỏi Bắc Kinh bằng cách đối xử khác nhau với hai kẻ thù. Giữa các xung đột ở châu Âu, một lần nữa Washington cần phải làm như vậy, Kissinger nói.
Ông cảnh báo việc cùng giữ lập trường thù địch với cả Moscow và Bắc Kinh sẽ khiến cho cả hai xích lại gần nhau hơn. “Sau cuộc chiến Ukraine, Nga sẽ phải đánh giá lại mối quan hệ với châu Âu ở mức tối thiểu và thái độ chung đối với NATO”, Kissinger nói.
Cuộc xung đột ở Ukraine nay đã ở tuần thứ 11 và Nga vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu quan trọng nào ở nước này. Đầu tháng 4, quân Nga trước đó được triển khai quanh Kyiv đã được chuyển về hướng đông nam Uraine với mục tiêu mới là “giải phóng hoàn toàn” vùng Donbas. Kết quả là lực lượng vũ trang Ukraine đã giành lại được quyền kiểm soát ở nhiều vùng rộng lớn phía bắc.
Tình báo phương tây và các nhà quan sát quốc tế đã chờ đợi TT Putin đưa ra một tuyên bố quan trọng tại cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng Đức quốc xã 9.5, nhưng điều đáng ngạc nhiên là TT Nga đã không tuyên chiến với Ukraine hoặc tuyên bố lệnh tổng động viên, một bước đi mà các nhà phân tích cho là dấu hiệu của việc TT Putin tỏ ra thận trọng trước việc người dân Nga có chấp nhận điều đó hay không.
Ở giai đoạn hiện tại, khó mà dự đoán cuộc chiến sẽ kết thúc thế nào. Được hỏi về khả năng kết thúc cuộc xung đột, Kissinger nói Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine cho đến lúc cuộc xung đột “ngốn” hết khả năng quân sự và nguồn lực của đất nước đến mức có nguy cơ mất đi địa vị của một cường quốc.
“Câu hỏi đương nhiên là sự leo thang này sẽ tiếp tục trong bao lâu và với phạm vi nào”, Kissinger nói. “Hoặc là ông ta đã đạt tới giới hạn khả năng của mình chưa, và ông ta phải quyết định đến điểm nào thì việc leo thang sẽ gây căng thẳng xã hội của ông ta đến mức gây hại cho khả năng tiến hành chính sách quốc tế của một cường quốc trong tương lai”.
Đến điểm đó, Kissinger nói, liệu Nga có quay qua kho vũ khí hạt nhân để chấm dứt chiến tranh hay không là điều ông ta không thể tiên đoán. “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới” so với thới Chiến tranh lạnh.
Làm thế nào để tránh một thảm họa hạt nhân – mà Kissinger coi đó là mục đích của mình trong Chiến tranh lạnh? Hoàn cảnh đã thay đổi trong những thập niên gần đây đến mức cần có cuộc thảo luận hoàn toàn mới về những hệ lụy tiềm tàng của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ông nói.
“Khi công nghệ phát triển khắp nơi trên thế giới thì ngoại giao và chiến tranh cũng mang những nội dung mới và đó là thách thức”, Kissinger nói. “Chỉ có điều mà chúng ta không thể làm là chấp nhận nó (việc sử dụng vũ khí hạt nhân)”.