Ông Phan Văn Mãi: Quyết tâm hoàn thành cơ bản dự án vành đai 3 vào cuối năm 2025

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 21:25, 12/05/2022

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: “Chúng tôi tiếp tục chuẩn bị, quyết tâm hoàn thành cơ bản dự án vành đai 3 vào cuối năm 2025, hoàn thiện vào 2026”.

Chiều 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

Về dự án chủ trương xây dựng đường vành đai 3, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, dự án đường vành đai 3 đi qua các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng (vốn đầu tư công).

vanhdai3_ahnh_btvb.jpeg
Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM-Ảnh: Internet

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, về sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia: Dự án đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công. Cụ thể: Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỷ đồng (vốn đầu tư công); áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án cần được Quốc hội quyết định. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về sự cần thiết đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó yêu cầu "khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM".

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc có cơ chế, chính sách đặc biệt phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong quy hoạch xác định đường cao tốc và đường song hành. Trong đó đường vành đai 3 là cao tốc đô thị, đầu tư bằng ngân sách Trung ương, còn địa phương lo giải phóng mặt bằng và đầu tư xây lắp. Đây là vấn đề đã bàn nhiều, đường song hành chỉ thiết kế ở khu vực dân cư hiện hữu để kết nối. TP.HCM đã tính đoạn nào có đường song hành, chỗ nào thì không, chỗ nào có vỉa hè, chỗ nào không có vỉa hẻ. "Đường cao tốc đô thị nên có đường song hành. Không vì tiết kiệm mà tiết giảm vì sau này nếu đầu tư lại còn tốn kém nhiều hơn", ông Phan Văn Mãi cho hay.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, ban đầu đã nghiên cứu đề xuất theo hướng địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, Trung ương đầu tư xây lắp. Sau khi cân nhắc thì thấy TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai có điều kiện thu ngân sách địa phương nên đề xuất mức 50:50. Riêng Long An thì ngân sách trung ương là 75%, Long An 25%.

“Đã bàn tới bàn lui rất nhiều, mong Chủ tịch Quốc hội và UBTVQH tán thành cơ cấu ngân sách như đã trình”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Về sự cần thiết xây dựng đường song hành với đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 1 chỉ bố trí ở những khu vực dân cư hiện hữu, có nhu cầu kết nối cho phục vụ lưu thông. Quy mô đường song hành từ 9-12m, vỉa hè chỉ xây dựng ở những đoạn có dân cư như quận Thủ Đức, Thuận An, Dĩ An, Củ Chi, những nơi đang là đô thị hiện hữu...

“Quá trình chuẩn bị đã rà soát rất kỹ từ các nút giao, những giao cắt, đoạn nào nên có đường song hành, đoạn nào không. Vì đây là đường cao tốc đô thị nên việc có các đường song hành rất quan trọng. Rất mong các đồng chí không vì khó khăn ngân sách mà chúng ta tiết kiệm chỗ này. Mai mốt, chúng ta đầu tư có khi còn tốn kém hơn mà không phát huy được đồng bộ”, người đứng đầu UBND TP.HCM chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, do dự án có quy mô lớn về khối lượng công việc, thời gian thực hiện gấp gáp, nếu áp dụng các quy định bình thường thì rất khó hoàn thành đúng kế hoạch. Trong khi đó, việc hoàn thành đưa vào sử dụng sớm rất có ý nghĩa, không chỉ đối với TP.HCM và các địa phương có dự án mà còn đối với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

“Chúng tôi xin được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, nhưng chương trình phục hồi kinh tế chỉ kéo dài 2 năm, nên xin với Quốc hội được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian xây dựng dự án Vành đai 3 chứ không chỉ trong 2 năm 2022-2023”, ông Mãi giải trình thêm.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về việc không áp dụng tràn lan cơ chế đặc thù, dễ dẫn đến không minh bạch, bất bình đẳng, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị được áp dụng chỉ định thầu cho các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án.

“Phần xây lắp chúng tôi hạn chế đến mức thấp nhất, cơ bản sẽ đấu thầu toàn bộ các gói thầu về xây lắp để bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng, hạn chế tiêu cực”, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Về đề xuất Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay lại, ông Phan Văn Mãi phát biểu: “Đây là cơ chế mới, nếu có điều kiện thì Chính phủ phát hành trái phiếu cho chúng tôi vay lại, để các địa phương đỡ phải cân đối đầu tư công của trung hạn kỳ này. Nếu Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH kết luận các địa phương thực hiện phát hành trái phiếu thì chúng tôi sẽ tuân thủ”.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định sẽ thành lập ban chỉ huy, văn phòng dự án bên cạnh tổ công tác hiện đang có và đặc biệt là Hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học, nhà quản lý để giúp cho việc triển khai dự án thuận lợi.

Tú Viên