Cha, mẹ xin phép con trai 19 tuổi được hiến tạng của con để cứu người
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:50, 13/05/2022
Ghép thành công cho 4 bệnh nhân
Chàng trai trẻ mới 19 tuổi (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) vừa bước vào chân vào giảng đường đại học. Trước khi chuẩn bị đi chơi lễ 30.4 và 1.5 thì anh bất ngờ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng bị chấn thương não nặng, chỉ số Glasgow 3 điểm, mê sâu, đang thở máy, sử dụng vận mạch. Khi được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nặng, tiên lượng tử vong thì cha, mẹ của bệnh nhân muốn hiến tạng.
Gia đình bệnh nhân quyết định hiến tim, gan, thận, phổi, nhưng cuối cùng các bác sĩ chỉ nhận được tim, gan, và 2 quả thận, còn phổi bị dập nên không thể ghép.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu- Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, tại thời điểm chờ, những bệnh nhân thuộc nhóm máu 0 chờ ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy không có trường hợp nào nên đã thông báo đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia tìm kiếm trên cả nước. Cuối cùng đã tìm được 1 trường hợp ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế và đã báo với gia đình người hiến và được sự đồng ý. “Vì người hiến này còn trẻ tuổi nên trước đó chúng tôi ưu tiên chọn những bệnh nhi để ghép, nhưng khi chọn ra 4 bệnh nhi thì không bệnh nhi nào đáp ứng đủ điều kiện ghép. Do đó, lá gan và 2 thận được tiến hành ghép cho bệnh nhân là người lớn, có tên trong danh sách chờ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng quả tim được Trung Tâm Điều phối Quốc gia điều để ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế (do trong danh sách chờ của Bệnh viện Chợ Rẫy không có người bệnh phù hợp để tiếp nhận), bác sĩ Thu cho biết.
Để rút ngắn thời gian vận chuyển tạng, Bệnh viện nhân dân Gia Định đã thông tin đến Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an TPHCM nhờ hỗ trợ mở đường cho đoàn vận chuyển tim ra sân bay. Trung tâm Điều phối Quốc Gia đã phối hợp với Vietnam Airline hỗ trợ vận chuyển tim về Huế.
Đối với 3 ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2 ca ghép thận, 1 ca ghép gan), trong đó 2 ca ghép thận có nước tiểu nhiều tại bàn mổ sau khi ghép; còn ca ghép gan tiết dịch mật ngay sau khi gan được ghép.
TS.BS Đoàn Tiến Mỹ- Trưởng Khoa ngoại gan mật tuy, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Với bệnh nhân ghép gan, sợ nhất là thải ghép nên chúng tôi phải dùng thuốc chống thải ghép liên tục trong 1 tuần đầu tiên. Sau 1 tuần bệnh nhân đã ổn định. Nếu không có gì thay đổi bệnh nhân ghép gan sẽ xuất viện trong vòng 4 tuần”.
Cha, mẹ xin phép được hiến tạng của con trai
Để thực hiện ca lấy ghép tạng này, cả 2 bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định huy động hơn 150 nhân sự. Bất kể đang trong kỳ nghỉ lễ, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo khởi động khẩn cấp ê-kíp điều phối - ghép tạng của bệnh viện, Hồi sức cấp cứu, gây mê, ê-kíp theo dõi bệnh nhân hiến, ê-kíp chuẩn bị bệnh nhân ghép, phòng công tác xã hội chăm sóc cho gia đình người hiến, các khối cận lâm sàng, Trung tâm truyền máu khu vực, bảo vệ, công xa… phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương để có thể mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho người được ghép, sử dụng trọn vẹn quà tặng thiêng liêng của người hiến.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu- Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại: “ Lúc đó, mọi người đều về quê nghỉ lễ 30.4 và 1.5, tôi nhận được tin của bác sĩ hồi sức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định báo có trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu. Khi được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nặng, tiên lượng tử vong thì cha, mẹ của bệnh nhân muốn hiến tạng. Tuy nhiên, lúc đó đang nghỉ lễ, việc điều động mọi người sẽ rất khó khăn”.
Lúc này, bác sĩ Thu quyết định một mình đi tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định trước nắm tình hình rồi nhờ bác sĩ Linh (bác sĩ Nguyễn Thanh Linh- Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) liên hệ với bác sĩ Khoa hồi sức của Bệnh viện Nhân dân Gia Định để trao đổi về hồi sức cho người bệnh; đồng thời có chứng đoán sơ bộ như thế nào.
Qua ngày hôm sau, bác sĩ Thu hẹn với các kíp để chẩn đoán chết não lâm sàng. Các kíp đã đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, mỗi người một khâu. Trong ngày 2.5, các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân chết não lâm sàng, nhưng còn phải tiến hành CT não, điện não… để chẩn đoán xác định theo luật pháp.
“Rất xúc động khi gia đình bệnh nhân chết nào chỉ có 2 đứa con trai. Chàng trai chết não này vừa tròn 19 tuổi và cũng chỉ mới vào đại học có mấy tháng và chuẩn bị đi chơi lễ thì xảy ra tai nạn thương tâm như vậy. Dù gia đình rất đau buồn, nhưng họ đã nén đau thương để quyết định hiến tạng của con mình. Xúc động hơn là khi cha, mẹ và đứa em trai của bệnh nhân đến chào tạm biệt đứa con trai của mình trước khi em đưa vào phòng mổ; đồng thời cha, mẹ đã xin phép con thực hiện hiến tạng để cứu chữa những người bệnh còn sống”, bác sĩ Thu chia sẻ.
Lúc này, các y bác sĩ trong ê-kíp ghép tạng với khoảng 50 người khẩn trương, mỗi người một việc để có thể quyết định được ai là người đủ điều kiện ghép tạng trong danh sách chờ. “Khi có kết quả, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tìm được những người thích hợp để có thể ghép, nhưng có nhiều bệnh nhân ở khá xa. Do vậy, trong lúc chờ bệnh nhân đến bệnh viện để thực hiện ghép tạng, các bác sĩ hồi sức phải làm thế nào để giúp bệnh nhân chết não có sinh hiệu ổn định, không tổn hại đến các cơ quan nhà bệnh nhân đó định hiến”, bác sĩ Thu nói.
Sẽ có hơn 10.000 bệnh nhân mỗi năm được ghép tạng, nếu…
Như vậy, với trường hợp người hiến tạng chết não này, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được 42 người chết não hiến tạng.
Tuy nhiên, TS.BS Hoàng Khắc Chuẩn – Phó khoa Nội tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng hiện nay nguồn tạng từ người chết não còn quá khiêm tốn. Trong số các bệnh nhân ghép tạng hiện nay, chỉ có 6% nguồn tạng từ người cho chết não, ngưng tim; còn lại đến 94% nguồn tạng từ người cho còn sống.
“Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 6.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, nếu như trong số đó hiến tạng thì mỗi năm chúng ta đã có được hơn 10.000 bệnh nhân được ghép tạng giúp họ trở lại cuộc sống tốt hơn. Hiện nay mỗi năm chúng ta chỉ có được 1-2 trường hợp người chết não, ngưng tim cho tạng nên còn quá khiêm tốn, không đáp ứng được nhu cầu người cần ghép tạng”, bác sĩ Chuẩn chia sẻ.
TS.BS Lâm Việt Trung – Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là hoạt động hiến ghép tạng từ người cho chết não, sau thời gian TP.HCM trở lại trạng thái bình thường sau trận đại dịch lớn vào thời điểm đặc biệt, đó là dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua.
Hoạt động ghép tại đã thực hiện khá lâu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện nay đã có các đơn vị điều phối ghép tạng trên cả nước đã thúc đẩy hơn hoạt động hiến tạng. Nguồn tạng chính đến từ người cho còn sống và người cho chết não, ngưng tim. Những nguồn tạng này rất quý giá cho những bệnh nhân cần thiết có tạng đó, như bệnh nhân gan, suy thận, bệnh phổi… Nếu chúng ta có đủ nguồn tạng thì sẽ thay đổi bước ngoặc cuộc sống của những bệnh nhân trên.