Elon Musk: Tạm hoãn thỏa thuận 44 tỉ USD với Twitter

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:58, 13/05/2022

Hôm 13.5, Elon Musk cho biết thỏa thuận trị giá 44 tỉ USD của ông với Twitter tạm thời bị hoãn, trích dẫn việc đang chờ xử lý về các tài khoản spam và giả mạo.

Elon Musk cho biết trong một tweet: "Thỏa thuận Twitter tạm thời bị hoãn để chờ xử lý chi tiết ủng hộ tính toán rằng các tài khoản spam/giả mạo thực sự đại diện cho ít hơn 5% người dùng”.

Cổ phiếu của Twitter giảm trong giao dịch trước giờ mở cửa. Twitter đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

elon-musk-thoa-thuan-44-ti-usd-voi-twitter-tam-hoan.jpg
Thông báo tạm hoãn thỏa thuận với Twitter của Elon Musk

Đầu tháng này, Twitter đã ước tính rằng các tài khoản giả mạo hoặc spam đại diện cho ít hơn 5% người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền trong quý 1/2022, khi ghi nhận 229 triệu người dùng hoạt động hàng ngày được phân phát quảng cáo.

Công ty cũng cho biết phải đối mặt với một số rủi ro cho đến khi thỏa thuận với Elon Musk kết thúc, bao gồm cả việc liệu các nhà quảng cáo có tiếp tục chi tiêu trên Twitter hay không trong bối cảnh "tiềm ẩn sự không chắc chắn về các kế hoạch và chiến lược trong tương lai".

Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là Giám đốc điều hành của Tesla, nói rằng một trong những ưu tiên của ông là loại bỏ các spam bot (chương trình được tạo ra để gửi thư rác) khỏi nền tảng này.

Cổ phiếu Twitter hiện đã giảm xuống 45,08 USD, mức thấp nhất kể từ khi đồng ý bán cho Elon Musk với giá 44 tỉ USD (54,20 USD/cổ phiếu) vào ngày 25.4, đặt ra câu hỏi liệu tỷ phú giàu nhất thế giới có cố gắng đàm phán lại thỏa thuận hay không.

Cổ phiếu Twitter ở mức 39,31 USD khi chốt phiên vào 1.4, ngày giao dịch cuối cùng trước khi Elon Musk tiết lộ rằng đã tích lũy 9,2% cổ phần trong công ty truyền thông xã hội.

Tin tức Elon Musk sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tài khoản Twitter của cựu Tổng thống Donald Trump, dù quan trọng về mặt chính trị, nhưng không giúp cổ phiếu công ty đi lên.

Cổ phiếu Twitter đã lao dốc cùng với sự sụp đổ rộng rãi hơn của cổ phiếu công nghệ, khi các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát và khả năng suy giảm kinh tế.

Một số nhà đầu tư, chẳng hạn như hãng bán khống Hindenburg Research, suy đoán về việc liệu Elon Musk có cố gắng thương lượng một mức giá thấp hơn 44 tỉ USD hay không.

Elon Musk không cho biết có kế hoạch mở lại các cuộc đàm phán về giá với Twitter và các đại diện của ông từ chối bình luận về vấn đề này.

Dưới đây là phần trả lời cho các câu hỏi chính:

Vì Elon Musk muốn đàm phán lại về giá thầu với Twitter?

Elon Musk có tài sản ròng ước tính gần 240 tỉ USD theo Forbes, tuy nhiên phần lớn tài sản của ông đều nằm trong cổ phiếu của Tesla - nhà sản xuất ô tô điện mà ông lãnh đạo.

Elon Musk đã chuyển sang huy động tiền mặt cho việc mua lại Twitter. Ông đã bán số cổ phiếu Tesla trị giá 8,5 tỉ USD và thực hiện khoản vay ký quỹ 12,5 tỉ USD được đảm bảo bằng cổ phiếu Tesla của mình. Tuần trước, Elon Musk đã giảm khoản vay ký quỹ đó xuống còn 6,25 tỉ USD sau khi gọi vốn được từ một số nhà đầu tư.

Elon Musk cho biết trong hồ sơ quy định rằng ông có thể tìm kiếm thêm nguồn tài trợ cho thỏa thuận mua lại Twitter.

Trong khi Elon Musk nói không quan tâm đến tính kinh tế từ việc mua lại Twitter, một số nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu Tesla giảm 27% kể từ khi ông tiết lộ sở hữu 9,2% cổ phần công ty truyền thông xã hội, một phần do lo ngại ông có thể phải bán thêm cổ phiếu.

Do đó, cổ phiếu Tesla sẽ chịu ít áp lực hơn nếu Elon Musk có thể thương lượng giá mua lại Twitter thấp hơn. Một số người cùng đầu tư mua Twitter có thể khuyến khích Elon Musk nếu họ lo ngại về việc trả quá nhiều tiền.

Elon Musk có thể đàm phán lại với giá thấp thế nào?

Elon Musk có thể đe dọa từ bỏ thỏa thuận trừ khi hội đồng quản trị của Twitter đồng ý mở lại các cuộc đàm phán. Theo hợp đồng, Elon Musk có nghĩa vụ phải trả khoản phí chia tay trị giá 1 tỉ USD, nhưng Twitter sẽ phải kiện để đòi nhiều hơn số tiền bồi thường thiệt hại hoặc cố gắng buộc ông hoàn thành thỏa thuận.

Có rất nhiều tiền lệ cho cuộc đàm phán lại. Một số công ty đã phải chấp thuận mức giá mua lại thấp hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 và gây ra một cú sốc kinh tế toàn cầu.

Ví dụ, hãng thời gian xa xỉ LVMH (Pháp) đe dọa từ bỏ thỏa thuận với Tiffany & Co, dẫn đến việc nhà bán lẻ trang sức của Mỹ đồng ý giảm giá mua lại 425 triệu USD xuống còn 15,8 tỉ USD.

Simon Property Group, nhà điều hành trung tâm thương mại lớn nhất Mỹ, cố gắng giảm giá mua cổ phần kiểm soát đối thủ Taubman Centers xuống 18%, còn 2,65 tỉ USD.

Có rủi ro khi Elon Musk thử đàm phán lại với Twitter?

Không có gì chắc chắn rằng chiến lược này sẽ hoạt động và có thể khiến Elon Musk tiêu tốn nhiều tiền hơn.

Đầu tiên, Elon Musk sẽ phải thuyết phục Twitter rằng ông sẽ thực sự từ bỏ thương vụ. Sau đó sẽ có những rào cản pháp lý, bao gồm cả một điều khoản "hiệu suất cụ thể" mà Twitter có thể viện dẫn cho một thẩm phán để buộc Elon Musk hoàn thành thương vụ.

Những người mua lại thua trong một trường hợp như vậy hầu như không bao giờ bị buộc phải hoàn thành thương vụ, nhưng các công ty mục tiêu có thể tìm sự hỗ trợ bằng tiền cho giá của thỏa thuận bị bỏ rơi.

Các công ty từng đấu tranh với những người mua lại tại tòa án có hãng công nghệ y tế Channel Medsystems, kiện Boston Scientific Corp vì cố gắng từ bỏ thỏa thuận trị giá 275 triệu USD của họ. Vào năm 2019, một thẩm phán đã phán quyết rằng thỏa thuận phải được hoàn tất và Boston Scientific Corp thanh toán cho Channel Medsystems khoản tiền theo thỏa thuận không được tiết lộ.

Những người mua lại đang tìm cách giải quyết vấn đề này đôi khi quay sang các điều khoản "ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng" trong thỏa thuận của họ, cho rằng công ty mục tiêu bị thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong thỏa thuận giao dịch với Twitter, cũng như nhiều vụ sáp nhập gần đây, không cho phép Elon Musk từ bỏ vì môi trường kinh doanh đang xấu đi, chẳng hạn nhu cầu quảng cáo giảm hoặc do cổ phiếu của Twitter lao dốc.

Elon Musk cũng từ bỏ quyền thẩm định khi thương lượng thỏa thuận với Twitter, cố gắng để công ty chấp nhận lời đề nghị "tốt nhất và cuối cùng" của ông. Điều này khiến Giám đốc điều hành Tesla khó tranh cãi trước tòa rằng Twitter đã đánh lừa mình.

Sơn Vân