Báo Thổ Nhĩ Kỳ giải thích Tổng thống Erdogan ngăn Phần Lan gia nhập NATO là do Thụy Điển

Quốc tế - Ngày đăng : 06:27, 14/05/2022

Theo phân tích của báo Thổ Nhĩ Kỳ Daily Sabah, dù Thổ Nhĩ Kỳ thường duy trì quan hệ tốt với Phần Lan, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại có một số bất đồng với Thụy Điển do Stockholm ủng hộ hoạt động của đảng Công nhân người Kurd tại Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này đã theo dõi sát sao các diễn biến liên quan đến khả năng trở thành thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển nhưng không có “quan điểm thuận lợi” về điều này.

Ông Erdogan nói, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tích cực hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh NATO, cho rằng sáng kiến ​​này là một sai lầm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với các phóng viên sau buổi cầu nguyện hôm 13.5 ở Istanbul: "Chúng tôi không có quan điểm tích cực. Các quốc gia Scandinavia giống như nhà khách của các tổ chức khủng bố". Điều Erdoğan nói cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng tư cách là thành viên của NATO để phủ quyết các động thái từ hai nước.

Ông Erdogan nói rằng những nhà cầm quyền cũ của Thổ Nhĩ Kỳ đã "phạm sai lầm" khi bật đèn xanh cho việc Hy Lạp trở thành thành viên NATO vào năm 1952. Do vậy, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi, với tư cách là Thổ Nhĩ Kỳ, không muốn mắc sai lầm thứ hai về vấn đề này”.

Sau khi Nga tiến quân vào Ukraine ngày 24.2, dư luận và giới chính trị Phần Lan đã mạnh mẽ ủng hộ gia nhập NATO như một biện pháp răn đe chống lại nguy cơ từ Nga. Phần Lan và Thụy Điển từ lâu đã hợp tác với NATO, và được cho là có thể nhanh chóng gia nhập liên minh này.

Kế hoạch xin gia nhập NATO của Phần Lan, được công bố hôm 12.5 và Thụy Điển có khả năng sẽ làm theo, sẽ dẫn đến sự mở rộng liên minh quân sự phương Tây mà Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ngăn chặn.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ thường duy trì quan hệ tốt với Phần Lan, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại có một số bất đồng với Thụy Điển do Stockholm ủng hộ hoạt động của đảng Công nhân người Kurd tại Syria là YPG, trong khi phản đối các hoạt động xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nhóm khủng bố ở miền bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống ủng hộ chính sách mở cửa của NATO để mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên, Ankara đã duy trì quan điểm trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine và sốt sắng đảm nhận vai trò hòa giải bằng cách giữ cho các kênh liên lạc luôn mở với cả hai bên tham chiến.

Kể từ khi bắt đầu xung đột, Ankara đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai bên và tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình, nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Trong khi Ankara phản đối các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm cô lập Moscow, họ cũng đóng cửa các eo biển của mình để ngăn tàu chiến gồm cả của Nga vào Biển Đen.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Phương Tây vô cùng khó xử vì cả Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều lên tiếng ủng hộ, thậm chí là thúc giục 2 nước Bắc Âu gia nhập NATO. Tuy nhiên, theo quy chế hiện tại thì để kết nạp thành viên mới thì điều đó phải được quốc hội của tất cả các thành viên trong khối ủng hộ.

Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây khá căng thẳng sau cuộc đảo chính bất thành cách đây 6 năm. Ngoài ra, việc các nước châu Âu ngăn không cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU càng khiến khoảng cách giữ Ankara và Brussels thêm xa cách. Trong khi đó, quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây có vẻ khăng khít hơn do Nga đã ủng hộ ông Erdogan trong vụ chống đảo chính 2016 và họ có một số lợi ích chung trong vấn đề ở Syria.

Anh Tú