Spam bot là gì mà khiến Elon Musk căm ghét và tạm hoãn mua Twitter?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:22, 14/05/2022

Tỷ phú Elon Musk hôm 13.5 đã trì hoãn kế hoạch mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD khi chờ đợi thông tin chi tiết về tuyên bố các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội này chỉ chiếm dưới 5% người dùng.

Elon Musk biến việc loại bỏ các tài khoản Twitter giả mạo và spam bot trở thành chủ đề trọng tâm trong kế hoạch tiếp quản của mình. Giám đốc điều hành Tesla cho biết nếu mua nền tảng mạng xã hội này thì ông "sẽ đánh bại spam bot".

Elon Musk liên tục đổ lỗi cho việc Twitter quá phụ thuộc vào quảng cáo đã gây ra sự lây lan không ngừng của các spam bot.

Giống như các công ty truyền thông xã hội khác, Twitter đã chiến đấu chống lại spam bot trong vài năm qua thông qua phần mềm phát hiện và chặn chúng.

Vậy spam bot là gì và những gì được coi là một tài khoản Twitter giả?

Các spam bot hoặc tài khoản giả được thiết kế để thao túng hoặc thúc đẩy hoạt động giả tạo trên các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter.

Spam bot còn là chương trình máy tính được tạo ra để gửi thư rác. Spam bot thường tạo tài khoản và gửi thư rác ở một nơi nào đó trên internet.

Theo chính sách của Twitter, nếu các tài khoản trên nền tảng tham gia vào "hoạt động hàng loạt, gây hấn hoặc lừa đảo nhằm đánh lừa mọi người" thì được coi là thao túng nền tảng.

Việc chồng chéo các tài khoản chia sẻ nội dung tương tự, đăng ký hàng loạt tài khoản, sử dụng tài khoản tự động hoặc tài khoản phối hợp để tạo tương tác giả và buôn bán số người theo dõi được liệt kê là vi phạm chính sách spam của Twitter.

Một cuộc khảo sát của Twitter được thực hiện trên 4 quốc gia cho thấy mối quan tâm lớn nhất của người dùng là sự tồn tại "quá nhiều bot hoặc tài khoản giả".

Làm thế nào để Twitter phát hiện các tài khoản giả?

Twitter có một nhóm xác định người thật và robot trên nền tảng của nó. Công ty sử dụng máy học và các nhà điều tra để nhận ra các mô hình hoạt động độc hại.

Các thuật toán thử thách 5 triệu đến 10 triệu tài khoản mỗi tuần.

Tuy nhiên, Twitter cho phép các tài khoản parody và người hâm mộ, miễn là họ tiết lộ bản chất của tài khoản trong tiểu sử.

Twitter làm gì với tài khoản giả?

Khi phát hiện ra tài khoản giả, Twitter có thể khóa nó hoặc tìm cách xác minh. Trong trường hợp có nhiều tài khoản, người dùng có thể được yêu cầu giữ một tài khoản.

Có phải tất cả bot đều xấu?

Twitter cho rằng không phải tất cả các bot đều xấu và đã đưa ra một nhãn để gắn thẻ những bot tốt #GoodBots.

"Ai mà không yêu một số ít người máy hứa sẽ không nổi lên chống lại chúng ta?", tài khoản Twitter Safety của công ty đã gửi tweet vào tháng 9.2021.

Những bot tốt cho phép các tài khoản tự động chia sẻ thông tin hữu ích như cập nhật về COVID-19 và lưu lượng truy cập.

Tamer Hassan, Giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng HUMAN, nói: “Biết ai là người thật là điều cơ bản với tính toàn vẹn của internet. Khi nói đến việc quản lý mối đe dọa mà các bot tinh vi gây ra cho các tổ chức, hầu hết công ty đều cố gắng không để thất bại. Các chiến lược phòng thủ tập trung vào việc giảm thiểu thiệt hại hơn là để giành chiến thắng".

Tại sao Elon Musk ghét spam bot?

Là người ủng hộ quyền tự do ngôn luận, Elon Musk muốn Twitter trở thành một diễn đàn cho tự do ngôn luận, mà theo ông là "nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động", và coi spam bot là mối đe dọa với ý tưởng này.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây trên TedX, Elon Musk cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là xóa bỏ "đội quân bot" trên Twitter, đồng thời tìm ra các bot quảng bá các trò gian lận dựa trên tiền mã hóa trên Twitter.

"Họ làm cho sản phẩm trở nên tồi tệ hơn nhiều. Nếu có Dogecoin cho mỗi vụ lừa đảo tiền mã hóa mà tôi thấy, chúng ta sẽ có 100 tỉ Dogecoin", Giám đốc điều hành Tesla nói.

spam-bot-la-gi-ma-elon-musk-tam-hoan-mua-lai-twitter.jpg
Elon Musk ghét spam bot vì ảnh hưởng đến ý tưởng biến Twitter thành nền tảng của nền dân chủ đang hoạt động

Spam bot có thực sự chiếm dưới 5% người dùng Twitter?

Kể từ năm 2013, Twitter đã giảm thiểu việc lan truyền các tài khoản giả trên nền tảng này, cho rằng các tài khoản "giả hoặc spam" chỉ chiếm chưa đến 5% cơ sở người dùng của nó, ngay cả khi các nhà nghiên cứu độc lập nói con số có thể cao gấp 3 lần.

Sự khác biệt đó có thể ảnh hưởng đến kết quả thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỉ USD của Elon Musk sau khi tỷ phú này tweet hôm 13.5 rằng tạm hoãn thỏa thuận trong khi ông tìm kiếm thông tin về số lượng tài khoản giả mạo. Sau đó, ông đăng tweet cam kết việc mua Twitter.

Cổ phiếu Twitter đã giảm tới 25% trong giao dịch trước giờ mở cửa sau dòng tweet tạm hoãn mua lại của Elon Musk, sau đó còn giảm khoảng 9% và giao dịch ở mức 40,91 USD lúc 10 giờ 8 sáng 13.5 theo giờ ET. Đây là mức thấp hơn nhiều so với khi Twitter đồng ý bán cho Elon Musk giá 44 tỉ USD (54,20 USD/cổ phiếu) vào ngày 25.4, đặt ra câu hỏi liệu tỷ phú giàu nhất thế giới có cố gắng đàm phán lại thỏa thuận hay không.

Cổ phiếu Twitter ở mức 39,31 USD khi chốt phiên vào 1.4, ngày giao dịch cuối cùng trước khi Elon Musk tiết lộ rằng đã tích lũy 9,2% cổ phần công ty truyền thông xã hội.

Dù đây có thể chỉ là chiến thuật đàm phán của Elon Musk, điều rõ ràng là hầu như không có gì là chắc chắn về cách các tài khoản này được xác định hoặc phân phối, theo các nhân viên hiện tại và các nhà nghiên cứu truyền thông xã hội độc lập.

Trong một hồ sơ công khai ngày 2.5, Twitter đã ước tính rằng các tài khoản giả hoặc spam đại diện cho ít hơn 5% người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền trong quý 1/2022, khi ghi nhận 229 triệu người dùng hoạt động hàng ngày.

Twitter không chỉ rõ con số đó được tính như thế nào với các cấu hình tự động, bắt chước và bút danh được phép trên nền tảng.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng từ 9% đến 15% trong số hàng triệu hồ sơ Twitter là bot (tài khoản tự động), dựa trên một nghiên cứu ban đầu, từ năm 2017 và nghiên cứu gần đây hơn từ công ty giám sát các cuộc trò chuyện trực tuyến.

"Họ đã đánh giá thấp con số đó", theo Dan Brahmy, Giám đốc điều hành của hãng công nghệ Cyabra (Israel) sử dụng máy học để xác định tài khoản giả.

Cyabra ước tính tỷ lệ hồ sơ Twitter không xác thực là 13,7%.

Các câu hỏi về vai trò của bot trong việc phát tán thông tin sai lệch đã xuất hiện trên tất cả các nền tảng mạng xã hội kể từ năm 2016, khi Nga bị cáo cuộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm giúp Donald Trump thắng cử và gây tổn hại cho đối thủ của ông là Hillary Clinton.

Meta Plaforms, công ty sở hữu Facebook và Instagram, cũng ước tính rằng các tài khoản giả mạo đại diện cho khoảng 5% người dùng hoạt động hàng tháng trên Facebook, theo dữ liệu gần đây nhất từ ​​quý 4/2021.

Meta Plaforms cũng ước tính rằng khoảng 11% là tài khoản nhân bản, trong đó một người dùng duy trì nhiều hơn một tài khoản, phương pháp được coi là có thể chấp nhận được trên Twitter.

Các quy tắc của Twitter cấm mạo danh và spam, nghĩa là các tài khoản giả bị cấm nếu công ty xác định rằng mục đích của chúng là "lừa dối hoặc thao túng người khác", chẳng hạn như tham gia vào các trò gian lận, điều phối các chiến dịch lạm dụng hoặc thổi phồng sự tương tác một cách giả tạo.

Xóa tài khoản spam

Trong những năm qua, Twitter đã đầu tư vào việc xóa các tài khoản spam. Năm 2018, Twitter đã mua lại một công ty có tên là Smyte, chuyên về ngăn chặn thư rác, an toàn và bảo mật. Twitter đã xóa "các tài khoản spam và đáng ngờ" trong nỗ lực cải thiện tình trạng của nền tảng, điều này khiến cơ sở người dùng của nó giảm 1 triệu vào tháng 7.2018 và cổ phiếu sụt giảm.

Nhà nghiên cứu Filippo Menczer từ Đài quan sát trên mạng xã hội của Đại học Indiana (Mỹ) cho biết Twitter đã mạnh tay hơn trong việc loại trừ những loại tài khoản không xác thực này, dù bản chất của mối đe dọa đang phát triển và khó xác định hơn.

Filippo Menczer cho biết: “Việc thao túng cũng ngày càng trở nên tinh vi hơn với các mạng phối hợp và các tài khoản cyborg được kiểm soát bởi cả con người lẫn phần mềm”.

Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi con số thực sự nhỏ, các bot có thể có tác động lớn và một số ít có ảnh hưởng lớn trong việc định hình cuộc trò chuyện trực tuyến.

Một nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) phân tích sự lan truyền của thông tin COVID-19 sai lệch vào năm 2020 cho thấy, trong số 50 tài khoản đăng lại tweet có ảnh hưởng hàng đầu, 82% là bot.

Bên trong Twitter, việc đo lường và phát hiện các tài khoản giả hay spam là vấn đề phức tạp mà nhiều nhân viên của công ty không hiểu rõ, ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói cho Reuters với điều kiện giấu tên.

Twitter sử dụng các số liệu và định nghĩa khác nhau để tính toán các tài khoản như vậy, điều này cũng phụ thuộc vào độ chính xác của công ty trong việc phát hiện nội dung cấu thành spam. Nguồn tin cho biết Twitter cũng bị thách thức trong khả năng ước tính chính xác số lượng tài khoản giả và spam do chúng liên tục được tạo ra.

Sơn Vân