Sen Đồng Tháp giá trị kinh tế và văn hóa
Sự kiện - Ngày đăng : 22:04, 14/05/2022
Cũng theo Sở VHTT-DL, địa điểm chính lễ hội là Quảng trường Văn miếu, thành phố Cao Lãnh. Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng được tổ chức tại lễ hội này như: Chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc; Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp; Chương trình nghệ thuật “Sen trong tôi” trình diễn áo dài, áo bà ba; hoạt động giao lưu, tôn vinh những người trồng sen giỏi, những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen; Khu triển lãm sản phẩm OCOP, Văn hóa - Du lịch, trải nghiệm; Sen đa sắc, Chương trình giao lưu Đờn ca tài tử - Hò Đồng Tháp.
Dịp này, tỉnh cũng sẽ xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ sen. Tổ chức không gian trưng bày tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, thư pháp từ sen. Thi ảnh đẹp, tổ chức trại sáng tác ca khúc viết về Đồng Tháp. Trong nội ô TP.Cao Lãnh sẽ trang trí các tiểu cảnh hồ sen đẹp trên các tuyến đường chính, Quảng trường, Công viên Văn miếu, TP.Cao Lãnh. Song song với Lễ hội sen có Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II tại tỉnh Đồng Tháp. Có thể nói, đây là lễ hội sen quy mô, hoành tránh nhất từ trước tới nay.
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: “Thành công của Đồng Tháp trong xây dựng thương hiệu địa phương, người dân luôn tự hào vì mình là công dân “Đất Sen hồng” - “Tôi người Đồng Tháp”. Nếu ai đó may mắn vì được đặt chân đến Đồng Tháp, được làm việc với lãnh đạo cùng bà con nơi đây sẽ dễ dàng cảm nhận hồn sen qua từng nếp nghĩ, hành động của từng con người nơi đây. Tất cả điều đó đã tạo nên thương hiệu đất sen hồng mà không nơi nào có được”.
Hiện nay Đồng Tháp đang tìm các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị du lịch từ lợi thế nông nghiệp, khai thác du lịch từ sen ở Đồng Tháp. Đồng Tháp cũng chia sẻ một số mô hình phát triển du lịch, sản phẩm từ sen trên thế giới. Sen từ lâu gắn với tâm linh, lợi thế của tỉnh này còn có Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Nhiều dược phẩm, thực phẩm chế biến ở Đồng Tháp và các nơi có liên quan với sen.
Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở VHTT-DL cho biết, Tháp Mười là một trong sáu khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây là thủ phủ sen được tỉnh định hướng phát triển du lịch trải nghiệm, tâm linh, thiền học gắn với sen. Huyện Tháp Mười có gần 250 ha trồng sen, Tháp Mười cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu sen Tháp Mười. Huyện có 6 sản phẩm OCOP từ sen. Những năm gần đây tiềm năng du lịch hoa sen bắt đầu được quan tâm khai thác”.
Trên địa bàn tỉnh đã có 9 điểm du lịch nông nghiệp gắn với hoa sen. Vùng trồng sen của nông dân được mở rộng, lan tỏa ra các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Du lịch văn hóa sen ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bước đầu đã thu hút khoảng 200.000 lượt khách/năm đến tham quan trực tiếp trên những cánh đồng sen, thưởng thức những món ăn chế biến từ sen.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh diện tích trồng sen hiện có hơn 1.250 ha với sản lượng khoảng 1.100 tấn. Với nguồn nguyên liệu phục vụ tốt hơn 20 cơ sở sản xuất chế biến sen, cung ứng cho thị trường hơn 40 mặt hàng chế biến từ sen. Đồng Tháp đã có 29 sản phẩm OCOP, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của ngành trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, các sản phẩm chế biến từ sen Đồng Tháp rất đa dạng: tinh dầu sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà lá sen, tim sen, gạo lức hạt sen... với sản lượng sản xuất bình quân hàng năm hơn 60 tấn sản phẩm từ sen, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng, cải tiến đa dạng mẫu mã, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển du dịch của địa phương từ các sản phẩm chế biến từ sen.
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan về sản phẩm chế biến từ sen vẫn còn nhiều hạn chế nhất định trong sản xuất kinh doanh sản phẩm sen. Hiện nay, các chủ cơ sở ngành nghề nông thôn đa số sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa liên kết, chưa hiện đại. Các chủ cơ sở gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề nông thôn còn yếu kém. Sản phẩm từ các cơ sở phần lớn sản lượng nhỏ, doanh nghiệp phát triển chưa bền vững.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng NN-PTNT, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng: “Giờ đây mỗi người dân Đồng Tháp đã dẹp bỏ tự ti của vùng đất “khuất nẻo” để vươn lên tự tin, tự hào: “Tôi, người Đồng Tháp - Đất Sen hồng”... Niềm tự hào ấy còn lan tỏa trong phát triển du lịch của tỉnh nhà, với triết lý “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở đất sen hồng”.