Triều Tiên nêu lý do nhiều người chết khi COVID-19 bùng phát, đề nghị uống trà điều trị bệnh
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:36, 15/05/2022
Việc Triều Tiên thừa nhận đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 "bùng nổ" đã làm dấy lên lo ngại rằng loại vi rút này có thể tàn phá quốc gia có hệ thống y tế thiếu nguồn lực, khả năng xét nghiệm hạn chế và không có chương trình vắc xin.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên - KCNA cho biết nước này đang thực hiện "các biện pháp khẩn cấp nhanh chóng" để kiểm soát dịch bệnh, nhưng không có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận các đề nghị quốc tế về vắc xin.
"Tất cả các tỉnh, thành phố, quận huyện của cả nước đã bị phong tỏa hoàn toàn. Các đơn vị làm việc, đơn vị sản xuất và khu dân cư đóng cửa từ sáng 12.5 và việc kiểm tra nghiêm ngặt với tất cả người dân đang được tiến hành", KCNA đưa tin vào ngày Chủ nhật.
Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un cho biết sự lây lan của COVID-19 đã đẩy đất nước vào "tình trạng hỗn loạn lớn" và kêu gọi một cuộc chiến toàn lực để khắc phục sự bùng phát dịch.
Dù Triều Tiên phong tỏa, ông Kim Jong-un và các quan chức cấp cao khác hôm 14.5 đã tham dự lễ tang Yang Hyong Sop, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động dưới thời ông Kim Jong Il (cha của ông Kim Jong-un).
Các cơ quan y tế đã thiết lập thêm nhiều chốt phòng chống dịch, khẩn trương vận chuyển vật tư y tế đến các bệnh viện và trạm y tế, trong khi các quan chức cấp cao đã tặng thuốc dự trữ, KCNA đưa tin.
KCNA cho biết phần lớn các trường hợp tử vong do những người "bất cẩn trong việc dùng thuốc do thiếu kiến thức và hiểu biết về bệnh nhiễm vi rút biến thể Omicron cùng thiếu phương pháp điều trị đúng đắn".
Đài truyền hình trung ương Triều Tiên vào tối 14.5 đã phát sóng các phương pháp điều trị bệnh sốt. Một bác sĩ tại Bệnh viện Kimmanyu đề nghị "súc miệng bằng nước muối" và dùng các loại thuốc khác nhau trong trường hợp nhiệt độ cao, nhức đầu và đau cơ và khớp.
KCNA hôm qua cũng đề nghị uống trà lonicera japonica (kim ngân) hoặc trà lá liễu ba lần một ngày.
Ít nhất 296.180 người nữa bị sốt và 15 người khác đã chết tính đến ngày 15.5, theo KCNA.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên dường như không đủ năng lực để xét nghiệm hàng chục ngàn bệnh nhân có triệu chứng này. KCNA không thông báo có bao nhiêu trường hợp nghi ngờ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tổng cộng Triều Tiên đã báo cáo 820.620 trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, với 324.550 người vẫn đang được điều trị y tế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên trước đó tuyên bố không có trường hợp nào được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 và là một trong hai quốc gia trên thế giới chưa bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19.
Các tổ chức viện trợ cho biết các đợt phong tỏa của Triều Tiên đã làm chậm giao dịch buôn bán xuống mức nhỏ giọt và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực hoặc những khó khăn khác.
Các nhà phân tích cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 của Triều Tiên có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình lương thực vốn đã nghiêm trọng của nước này trong năm nay, vì việc đóng cửa trên toàn quốc sẽ cản trở các nỗ lực chống hạn hán đang diễn ra và việc huy động lao động.
KCNA cho biết tuần trước rằng các công nhân nhà máy, thậm chí cả nhân viên văn phòng và quan chức chính phủ đã được cử đi để giúp cải thiện các cơ sở nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước trên khắp đất nước.
Hạn hán và lũ lụt từ lâu đã đặt ra các mối đe dọa theo mùa với Triều Tiên. Bất kỳ hiểm họa thiên nhiên lớn nào cũng có thể làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Các nhà phân tích cho biết đại dịch đã cắt giảm hoạt động thương mại và quyên góp lương thực quốc tế. Tại một quốc gia phụ thuộc nhiều vào lao động của con người trong nông nghiệp và thiếu cơ sở hạ tầng công nghiệp cùng y tế, cuộc khủng hoảng sản xuất có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.
Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), cho biết: “Ở Triều Tiên, hoạt động kinh tế đòi hỏi nhiều sự di chuyển của người dân và bạn không thể trông đợi vào thương mại hoặc viện trợ lớn từ Trung Quốc. Song hiện nay hoạt động canh tác có thể bị thu hẹp lại và việc phân phối phân bón, nguyên liệu và thiết bị sẽ trở nên khó khăn”.
Các cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc và hầu hết các nhóm cứu trợ khác đã rút khỏi Triều Tiên trong bối cảnh biên giới bị đóng cửa kéo dài và nói rằng rất khó để đánh giá chính xác tình hình ở đó tồi tệ như thế nào.