G7 quyết tâm duy trì sức ép kinh tế với Nga

Chuyển động - Ngày đăng : 09:00, 15/05/2022

Ngày 14.5, ngoại trưởng các nước thành viên Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) cam kết củng cố sự cô lập Nga về chính trị lẫn kinh tế, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và giải quyết vấn đề mà Ngoại trưởng Đức gọi là “cuộc chiến lúa mì” mà Moscow đang tiến hành.

Sau cuộc họp tại khu nghỉ mát Weissenhaus ở biển Baltic, ngoại trưởng các nước Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng đến lúc nào còn cần thiết. Các nước cũng đẩy mạnh đối phó nỗ lực đổ lỗi phương Tây gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu do áp đặt loạt trừng phạt kinh tế của Nga, đồng thời đề nghị Trung Quốc không hỗ trợ Nga hay biện minh cho cuộc chiến Nga phát động.

Mấu chốt để gia tăng sức ép với Nga là lệnh cấm nhập khẩu hoặc loại bỏ dần dầu mỏ Nga mà EU dự kiến đạt được thỏa thuận nội bộ trong tuần tới ngay cả khi Hungary vẫn phản đối. Các ngoại trưởng G7 cũng cho biết sẽ áp đặt thêm trừng phạt với nhiều đơn vị kinh tế, tổ chức chính phủ và quân đội Nga.

2022-05-14t100513z_1_lynxnpei4d034_rtroptp_3_germany-g7.jpg
Các ngoại trưởng G7 nhóm họp tại Đức - Ảnh: Reuters

Cuộc họp cũng chú ý đến an ninh lương thực cùng nguy cơ chiến tranh có thể lan sang Moldova. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết G7 sẽ làm việc để tìm ra giải pháp vận chuyển các mặt hàng thiết yếu quan trọng khỏi kho trữ tại Ukraine trước vụ thu hoạch tiếp theo.

Tâm điểm tiếp theo của cuộc họp là vấn đề Thụy Điển và Phần Lan chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập NATO. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nhấn mạnh G7 cần đạt đồng thuận trong chuyện này.

Ý định xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan có thể khiến hai nước này hứng chịu sự trả đũa từ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - tỏ ý phản đối. Ngoại trưởng của 3 nước Thổ, Thụy Điển, Phần Lan dự kiến sẽ gặp nhau để giải quyết bất đồng.

Cẩm Bình