Sử dụng vật liệu tái chế trong kiến trúc bền vững
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 15:51, 16/05/2022
Vật liệu tái sử dụng hay vật liệu tái chế – là những nguồn tài nguyên rất đáng cân nhắc khi người kiến trúc sư muốn công trình của mình thân thiện với môi trường. Mặc dù vậy, hiệu quả mà vật liệu tái chế mang lại không hề thua kém những vật liệu thông thường, kể cả về mặt công năng lẫn thẩm mỹ tạo hình, đồng thời tiết kiệm được đáng kể chi phí cho thiết kế.
Trong bối cảnh ngành xây dựng đang chiếm đến 40% lượng khí carbon phát thải mỗi năm trên thế giới tác động đến môi trường thì việc sử dụng những vật liệu tái chế được khuyến khích trong thiết kế bền vững.
Ở một số nước phát triển, đã và đang áp dụng công nghệ này trong các thiết kế bền vững.
Sau đây là một số công trình ấn tượng vì sử dụng vật liệu tái chế đã được nhiều trang báo kiến trúc nhắc đến.
Vegan House của Block Architects, Việt Nam: Sử dụng gỗ tái chế
Vegan House, một ngôi nhà mới mang diện mạo đặc biệt, đó là những món đồ cũ, đặc biệt là gỗ cũ - những chiếc cửa chớp thân thuộc ở Việt Nam. Chủ nhân ngôi nhà đã góp nhặt được rất nhiều những món đồ cũ mà bạn bè anh không còn sử dụng nữa, từ bàn, ghế, tủ, những cánh cửa lá xách cho đến những cái chụp đèn.
Với chi phí đầu tư hạn chế, kiến trúc sư đã tận dụng và khai thác hết mức có thể những món đồ cũ này và những thứ sẵn có trong công trình hiện hữu, kết hợp với những phần làm mới tạo ra một không gian mới mẻ hơn từ nguồn vật liệu đã cũ, trong đó, những cánh cửa lá xách cũ được sử dụng như một vật liệu chính tạo nên diện mạo mới cho ngôi nhà.
Khách sạn Prahran, Techne Architect + Interior Design thực hiện: Sử dụng bê tông tái chế
Những ống bê tông tròn đã được tái chế một cách tinh xảo và gây ấn tượng cho mặt tiền khách sạn khách sạn Prahran, quán rượu 2 tầng ở Úc. Không chỉ dùng để trang trí, những ống bê tông còn được làm thành những cabin, được ốp một lớp gỗ cùng với ghế dài và bàn. Người dùng có thể ngồi ăn và ngắm nhìn qua bên ngoài qua những lỗ ống bên tông tròn.
Luxury Pavilion của Fahed + Architects: Sử dụng lò xo tái chế
Cam kết về môi trường là triết lý cốt lõi của Fahed + Architects, vì vậy đơn vị thiết kế này đã tạo ra pavilion 100% từ vật liệu tái chế từ công ty quản lý chất thải địa phương, Bee’ah. Lớp “kén” bên ngoài của gian hàng được tận dụng từ những chiếc lò xo đệm cũ, đan vào nhau một cách tự nhiên, tạo thành dạng hữu cơ, bồng bềnh giữa các tòa nhà xung quanh.
Bảo tàng Nghệ thuật Naju của Hyunje Joo: Sử dụng giỏ nhựa tái chế
Là một yếu tố kiến trúc linh hoạt, không phải cố định, mặt tiền bảo tàng sử dụng 1.500 cấu trúc giỏ bán trong suốt. Mặt tiền làm giảm thiểu sự ngăn cách giữa không gian bên trong và bên ngoài khi ánh sáng bên ngoài chiếu xuyên qua. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự đổ bóng liên tục thay đổi trong mọi thời điểm trên bề mặt bức tường do sự khuếch tán và phản xạ của vật liệu. Thời gian trôi qua được cảm nhận tích cực hơn cả từ bên trong lẫn bên ngoài vì những hiệu ứng ánh sáng này kích thích các giác quan của chúng ta. Khi tòa nhà bị phá dỡ, những giỏ nhựa này có thể tái sử dụng.
Clouds Pavilion của STUDIOKCA: Sử dụng chai nhựa tái chế
Được làm từ 53.780 chai nhựa – số lượng chai được vứt bỏ tại thành phố New York chỉ trong một giờ, Heads in the Clouds là không gian du khách có thể bước vào và chiêm ngưỡng ánh sáng và màu sắc xuyên qua những chai nhựa.
Palette Pavilion của Avatar Architettura: Sử dụng Pallet tái chế
Với kiến thức phong phú trong việc tạo ra những thiết kế bắt mắt từ vật liệu tái chế, đơn vị thiết kế Avatar Architettura đã tạo nên gian hàng từ những tấm pallet tái chế. Nằm trong khuôn viên của Villa Romana, Viện Văn hóa Đức ở Florence, Ý, gian hàng rộng 100m2 này đủ linh hoạt để tổ chức các buổi triển lãm. Về mặt cấu trúc, vật liệu được sử dụng là các tấm pallet được sắp xếp như hình kim cương, kết nối với nhau bằng các khớp nối tùy chỉnh và được phủ bên ngoài bằng màng PVC trong suốt.