Không vắc xin, Triều Tiên chiến đấu với COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, biện pháp khắc phục tại nhà

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 20:33, 16/05/2022

Trong bộ quần áo hazmat đỏ tươi, 5 nhân viên y tế Triều Tiên sải bước về phía xe cấp cứu để chiến đấu với ổ dịch COVID-19. Trong điều kiện không có vắc xin, Triều Tiên đang sử dụng thuốc kháng sinh và các biện pháp tại nhà để điều trị COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên cùng Eritrea là hai quốc gia chưa bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 và cho đến tuần trước còn khẳng định không có ca nhiễm SARS-CoV-2 nào.

Giờ đây Triều Tiên đang huy động các lực lượng gồm cả quân đội và thực hiện chiến dịch thông tin công khai khi các nhà chức trách thừa nhận đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước hôm 16.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Công cộng Triều Tiên - Kim Hyong Hun cho biết đất nước đã chuyển từ hệ thống cách ly sang hệ thống xử lý để ứng phó với hàng trăm ngàn ca nghi "sốt" được báo cáo mỗi ngày.

Đài truyền hình đã chiếu cảnh quay cảnh nhóm xử lý mặc đồ hazmat và các nhân viên đeo khẩu trang mở cửa sổ, lau chùi bàn làm việc, máy móc và phun thuốc khử trùng.

khong-vac-xin-trieu-tien-chien-dau-voi-covid-19-bang-thuoc-khang-sinh.jpg
Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại một trung tâm thương mại nhằm phòng chống dịch COVID-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên - Ảnh: AFP

Để điều trị COVID-19 và các triệu chứng của nó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các loại kháng sinh khác - không chống lại vi rút nhưng đôi khi được kê đơn cho các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát.

Trước đây thường coi vắc xin “không phải thuốc chữa bách bệnh", các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã khuyến cáo người dân súc miệng bằng nước muối, uống trà lonicera japonica (kim ngân) hoặc trà lá liễu ba lần một ngày.

"Phương pháp điều trị truyền thống là tốt nhất!", một người phụ nữ nói với các đài truyền hình nhà nước khi chồng cô mô tả việc cho con họ súc miệng bằng nước muối mỗi sáng và tối.

Một người dân thủ đô Bình Nhưỡng cao tuổi cho biết bà đã được giúp đỡ bằng trà gừng và thông gió cho phòng.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Lần đầu tiên tôi sợ hãi bởi COVID-19, nhưng sau khi làm theo lời khuyên của các bác sĩ và nhận được các phương pháp điều trị thích hợp, mọi chuyện hóa ra không phải là vấn đề lớn”.

"Thiếu hiểu biết"

Hôm 15.5, nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un cho biết dự trữ thuốc không đến tay người dân và ra lệnh cho quân y đoàn giúp ổn định nguồn cung cấp ở Bình Nhưỡng. Thủ đô dường như là trung tâm bùng phát dịch khi hãng thông tấn trung ương KCNA báo cáo thêm 392.920 người sốt và 8 trường hợp tử vong.

KCNA cho biết tổng số người bị "sốt" tích lũy là 1.213.550, với 50 người chết. KCNA không tiết lộ có bao nhiêu ca nghi ngờ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Trong cuộc họp khẩn của Bộ Chính trị đảng Lao động, ông Kim Jong Un chỉ trích thái độ làm việc vô trách nhiệm và năng lực tổ chức - quản lý yếu kém của nội các cùng đội ngũ quan chức y tế. Ông ra lệnh triển khai lực lượng quân y hùng hậu để ổn định ngay nguồn cung thuốc tại thủ đô Bình Nhưỡng.

KCNA cũng cho biết ông Kim Jong Un đã đến thăm một số nhà thuốc nằm gần sông Taedong tìm hiểu hoạt động cung cấp và mua bán thuốc. Ông đánh giá các nhà thuốc không được trang bị đầy đủ để hoạt động hiệu quả, không có khu vực bảo quản thuốc thích hợp, nhân viên bán hàng không mặc quần áo bảo hộ.

Các nhà chức trách cho biết một phần lớn các trường hợp tử vong là do "bất cẩn trong việc dùng thuốc vì thiếu kiến ​​thức, thiếu hiểu biết về biến thể Omicron và thiếu phương pháp điều trị chính xác”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chuyển một số bộ dụng cụ y tế và các vật dụng khác tới Triều Tiên, nhưng không cho biết chúng chứa những loại thuốc nào. Các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc đã đề nghị gửi viện trợ nếu Triều Tiên đề nghị.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp tại quốc hội hôm 16.5, Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol cho biết không nên chần chừ cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho người dân Triều Tiên khi họ đang phải đối mặt với mối đe dọa từ đại dịch COVID-19.

"Nếu phía Triều Tiên chấp nhận, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức thuốc men, vắc xin COVID-19, thiết bị và nhân viên y tế", ông Yoon Suk Yeol khẳng định.

Dù không tuyên bố rằng thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị tại nhà sẽ loại trừ COVID-19, Triều Tiên có một lịch sử lâu dài trong việc phát triển các phương pháp điều trị chưa được khoa học chứng minh, bao gồm cả một mũi tiêm làm từ nhân sâm được trồng trong các nguyên tố đất hiếm mà nước này tuyên bố có thể chữa khỏi mọi thứ từ AIDS đến liệt dương.

Một số có nguồn gốc từ các loại thuốc truyền thống, trong khi những loại khác được phát triển để bù đắp sự thiếu hụt các loại thuốc hiện đại hoặc được coi là hàng xuất khẩu "sản xuất tại Triều Tiên".

Các chuyên gia cho biết, dù có nhiều bác sĩ được đào tạo và có kinh nghiệm huy động cho các trường hợp khẩn cấp về y tế, nhưng hệ thống y tế của Triều Tiên lại thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

Trong một báo cáo hồi tháng 3.2022, một nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc nói Triều Tiên có "cơ sở hạ tầng, nhân viên y tế, thiết bị và thuốc men thiếu đầu tư, nguồn cung cấp điện không thường xuyên và các cơ sở nước và vệ sinh không đầy đủ".

Kim Myeong-Hee (40 tuổi, người rời miền Bắc đến Hàn Quốc vào năm 2003) cho biết những thiếu sót như vậy khiến nhiều người Triều Tiên phải dựa vào các biện pháp khắc phục tại nhà.

"Ngay cả khi chúng tôi đến bệnh viện, thực sự không có thuốc. Cũng không có điện nên không thể sử dụng thiết bị y tế", bà nói.

Khi mắc bệnh viêm gan cấp tính, Kim Myeong-Hee nói rằng bà được yêu cầu uống minari - loại rau mùi tây nổi tiếng trong bộ phim cùng tên năm 2020 - mỗi ngày và ăn giun đất khi bị một căn bệnh khác, không rõ nguyên nhân.

Các biện pháp khắc phục tại nhà đôi khi không thể tránh được thiệt hại về nhân mạng trong các đợt dịch bệnh vào những năm 1990, Kim Myeong-Hee nói thêm.

WHO cảnh báo SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh chóng ở Triều Tiên

WHO hôm 16.5 cảnh báo rằng COVID-19 có thể lây lan nhanh chóng ở Triều Tiên, nơi mà cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cho biết chương trình tiêm vắc xin vẫn chưa bắt đầu.

Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO, cho biết: “Với việc đất nước này vẫn chưa bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19, có nguy cơ vi rút có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng trừ khi được ngăn chặn bằng các biện pháp thích hợp và tức thì”.

Sơn Vân