Thủ lĩnh đối lập Nga ở trong tù vẫn hô hào Phương Tây gia tăng trừng phạt chính quyền Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 11:08, 17/05/2022
Anh vừa bổ sung 12 biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các lệnh trừng phạt này nhắm vào mạng lưới tài chính của Tổng thống Vladimir Putin, gồm cả vợ cũ cũng như anh em họ của ông Putin và một phụ nữ mà điện Kremlin nhiều lần bác bỏ có mối quan hệ với ông Putin: Alina Kabaeva
Trước động thái trên, thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny cho rằng: "Đây chính xác là những gì cho thấy bước đi đúng đắn của Vương quốc Anh. Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss hiện đang hành động để thể hiện khả năng lãnh đạo nổi bật nhằm đối phó với cuộc chiến của Putin ở Ukraine".
Navalny kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga giống như của Anh vừa thực hiện, đồng thời cho rằng áp đặt các hạn chế mới sẽ là "một đòn nghiêm trọng” đối với những người xung quanh ông Putin.
Navalny nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt như vậy được sự ủng hộ của các công dân Nga, những người sẽ hoan nghênh các bước đi triệt để hơn nữa của Phương Tây.
Nhưng theo hãng tin Reuters, một cuộc khảo sát của công ty thăm dò ý kiến VTsIOM công bố ngày 8.4 cho thấy Tỷ lệ người Nga tin tưởng Tổng thống Vladimir Putin đã tăng từ 67,2% lên 81,6% so với thời điểm trước khi ông điều quân vào Ukraine vào ngày 24.2
Nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny hiện đang bị giam giữ tại Nga. Cách đây 2 tháng, tòa án Nga đã kết án Navalny 9 năm tù với các cáo buộc về biển thủ tiền và không tuân lệnh tòa.
Tại phiên tòa lưu động hôm 22.3, thẩm phán Margarita Kotova tuyên án "Navalny phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có tổ chức". Đồng thời, Thẩm phán Kotova cũng kết luận Alexei Navalny có hành vi chống lệnh tòa và tuyên án 9 năm tù. Vì Navalny đã ngồi tù một năm, ông sẽ không được trả tự do trong 8 năm nữa.
Các điều tra viên Nga cáo buộc Navalny biển thủ và tư lợi hàng triệu USD tiền quyên góp ở các tổ chức chính trị do ông vận hành. Nhà hoạt động đối lập phủ nhận mọi cáo buộc, lập luận cuộc điều tra nhắm vào ông có động cơ chính trị.
Tháng 8.2020, Navalny ốm bệnh ngay trên chuyến bay từ Tomsk, thuộc Siberia tới Moskva. Sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Omsk cũng thuộc Siberia, Navalny được đưa đến một bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Vài ngày sau, theo yêu cầu của gia đình, Navalny được đưa sang Đức và điều trị tại bệnh viện Charite ở thủ đô Berlin.
Thủ lĩnh đối lập Navalny sau đó cáo buộc bản thân bị đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichok, theo lệnh từ quan chức Nga. Về phần mình, điện Kremlin lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, khẳng định Navalyny là “con bài” của Mỹ và phương Tây để chống Nga.
Tháng 1.2021, Navalny từ Đức trở về Nga, dù biết rằng nhiều khả năng sẽ bị kết án vì vi phạm các điều khoản của án treo về tội tham ô năm 2014. Đây là vụ Navalny bị cáo buộc biển thủ 30 triệu rúp (415.000 USD) từ hai công ty, trong đó có hãng mỹ phẩm Yves Rocher của Pháp. Tòa án sau đó kết tội Navaly 32 tháng tù trước khi đưa ra xét xử lại và kết án 9 năm tù vào tháng 3 vừa rồi.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SRV) Sergey Naryshkin khẳng định các nước phương Tây đứng sau Navalny. Nhưng việc Nga bỏ tù thủ lĩnh đối lập này đã khiến tình báo phương Tây từ bỏ ý đồ kích động biểu tình quy mô lớn ở Nga.