World Bank đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:03, 17/05/2022

Sau COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực, nhưng Chính phủ cần giải quyết các rủi ro tăng cao về xã hội, tài chính và tài khóa.

Bất bình đẳng trở nên sâu sắc hơn

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù có khả năng chống chịu khá bền bỉ, nền kinh tế Việt Nam cũng bị tác động đáng kể bởi các biện pháp hạn chế ngày càng thắt chặt nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch từ tháng 4.2021, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng còn ở mức thấp.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế giảm tới 6,17% trong quý 3 do tác động kép của các yếu tố cả ở trong và ngoài nước; khu vực dịch vụ giảm tới 30 điểm phần trăm đối với ngành bán lẻ và 70 điểm phần trăm đối với ngành vận tải hành khách do tình trạng đóng cửa trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn tháng 8-9.2021. 

Trên phương diện đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa suy giảm do doanh số xuất khẩu giảm mạnh, đồng thời xuất khẩu dịch vụ tiếp tục bị hạn chế bởi tình trạng đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, vốn FDI cam kết đạt mức 14 tỉ USD trong tám tháng đầu năm 2021, phản ánh lòng tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.

WB đánh giá mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực, nhưng Chính phủ cần giải quyết các rủi ro tăng cao về xã hội, tài chính và tài khóa. Theo đó, các cơ quan nhà nước cần xem xét giải quyết các hậu quả xã hội của đại dịch.

kinh-te.jpg
Thu nhập người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Đại dịch không chỉ làm giảm thu nhập của người lao động mà còn làm cho bất bình đằng trở nên sâu sắc hơn do tác động không đồng đều đối với các nhóm thu nhập, ngành, giới tính, và địa điểm khác nhau. Di cư số lượng lớn ra khỏi vùng dịch, như xảy ra ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, có thể sẽ gây thiếu hụt lao động trầm trọng khi nền kinh tế phục hồi.

“Chính quyền cần ngay lập tức xem xét việc tăng cường phạm vi bao phủ, xác định đối tượng và mức chi trả của các chương trình bảo trợ xã hội quốc gia để đảm bảo các nạn nhân hiện nay và trong tương lai của những cú sốc vì tai họa thiên nhiên, y tế hoặc kinh tế được hỗ trợ phù hợp”, WB nêu.

Cẩn trọng với nợ xấu

WB cũng khuyến nghị cần theo dõi, giám sát chặt chẽ các rủi ro đang tăng lên vì đại dịch trong khu vực tài chính.

Mặc dù nguồn tín dụng ngân hàng mới hoặc việc tái cơ cấu nợ đã cung cấp vùng đệm cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chúng cũng góp phần chuyển rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính.

Theo đó, các cơ quan thực thi chính sách tiền tệ cần phải cảnh giác trước những rủi ro tăng cao liên quan đến nợ xấu, đặc biệt là ở các ngân hàng đã thiếu vốn từ trước đại dịch.

Việc hữu ích cần làm là xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và có cơ chế rõ ràng để xử lý các ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cấp vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của Basel II và xem xét việc nới lỏng hạn chế đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.

Một hệ thống cảnh báo sớm và cơ chế giám sát theo rủi ro (risk-based supervision) cũng cần phải được xây dựng để xác định nguy cơ tiềm tàng đối với từng ngân hàng thương mại và toàn bộ hệ thống.

Chính phủ nên có chiến lược rõ ràng đối với việc giảm dần và dừng các biện pháp tái cơ cấu nợ đã ban hành trong thời gian vừa qua.

rui-ro-tai-chinh-la-gi.jpg
Theo dõi chặt chẽ nợ xấu

Một khuyến nghị nữa là cần theo dõi sát rủi ro tài khóa. Trong khi Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài chính, với tỷ lệ nợ công trên GDP là khoảng 56,9% tính đến cuối năm 2020, kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rằng tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh nếu đợt bùng dịch hiện tại không được kiểm soát nhanh chóng hoặc nếu dịch bùng phát lại trong những tháng tới.

Chính phủ có thể sẽ phải mở rộng gói hỗ trợ tài chính (cả độ bao phủ lẫn mức hỗ trợ), hiện tại còn khiêm tốn, trong khi nguồn thu có thể sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi kinh tế phục hồi yếu hơn dự kiến.

Ở giai đoạn hiện nay, WB cho rằng rủi ro tài khóa dường như trong tầm kiểm soát nhưng cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt vì nó liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhà nước (kể cả trong ngành giao thông), có thể dẫn đến các khoản nợ tiềm tàng.

3 xu hướng trên thế giới cần chú ý

WB cho biết các thay đổi xảy ra trên thế giới đã làm trầm trọng hơn tác động tiêu cực của COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự chính sách của Việt Nam là: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc thương mại, tăng tốc nền kinh tế số và gia tăng mạnh mẽ các sáng kiến kinh tế xanh.

Cụ thể, thương mại và các hệ thống tài chính toàn cầu đã bị lung lay vì những biện pháp được áp dụng để hạn chế di chuyển và phòng chống dịch đang đi ngược lại bản chất của toàn cầu hóa.

Nhiều chính phủ và công ty đa quốc gia cũng đã nhận ra rằng họ đã và đang phụ thuộc vào một số ít nhà cung cấp và quốc gia cho việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu.

kts.jpg
Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế số phát triển

Nhận thức này có thể dẫn đến đổi mới chuỗi giá trị toàn cầu và giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tác động đối với thương mại hàng hóa không lớn như dự kiến ban đầu vì vận chuyển hàng hóa đã tăng trong cuối năm 2020 đầu năm 2021, nhưng xuất khẩu giảm khoảng 10% trong năm 2020. Việc đóng biên giới quốc tế gần như ngăn chặn sự di chuyển của con người trên khắp thế giới và dự kiến sẽ dẫn đến các thay đổi sâu sắc và lâu dài hơn trong ngành vận tải và du lịch.

Đồng thời, giãn cách xã hội đã khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc (học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, làm việc tại nhà, Chính phủ điện tử…). Thương mại trực tuyến trong 5 tháng cuối năm 2020 đã tăng nhanh tương đương với tăng trưởng của 5 năm trước đại dịch.

“Tất cả những thay đổi này đều có hậu quả rõ ràng về kinh tế và tài chính, và chúng cũng sẽ làm thay đổi sâu sắc cách mọi người sống, kinh doanh, giao tiếp, làm việc và học tập”, WB nhấn mạnh.

Cũng theo WB, các sáng kiến kinh tế xanh phát triển mạnh bởi đại dịch đã nhấn mạnh sự mong manh của cuộc sống con người khi đối mặt với những cú sốc ngoại sinh. Điều này khiến con người bắt buộc phải cải thiện khả năng chống chịu với không chỉ các đại dịch trong tương lai mà còn cả biến đổi khí hậu.

Sự tăng nhận thức đã được thể hiện trong việc nhiều quốc gia khởi xướng các chương trình xanh như một phần trong kế hoạch phục hồi dài hạn của họ. Nó cũng đã dẫn đến nhiều sáng kiến quốc tế, bao gồm của G7, G20 và COP-26, và sự thành lập mạng lưới các bộ trưởng tài chính hoặc thống đốc ngân hàng trung ương để thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ xanh.

Lam Thanh