Chủ động phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa

Sự kiện - Ngày đăng : 20:42, 18/05/2022

Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào thời điểm giao mùa. Nắng nóng và mưa bất thường khiến độ ẩm trong không khí tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh tấn công khiến trẻ em dễ mắc các loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết...

Các bậc phụ huynh cần trang bị các kiến thức phòng bệnh và tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho trẻ để phòng ngừa các nguy cơ lây bệnh.

tre-em.jpg
Khi con trẻ có các triệu chứng bất thường về sức khoẻ, phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời

Nghe tin ở TP.HCM bùng phát dịch sốt xuất huyết, chị Nguyễn Thị Kiều, ngụ phường 8, TP.Cà Mau rất lo lắng. Là mẹ của 2 cô con gái nhỏ, chị Kiều luôn chú trọng chăm sóc, phòng ngừa muỗi đốt ở trẻ. Ngoài việc dọn dẹp vệ sinh thường xuyên nhà ở và khu vực xung quanh, tránh để ao tù, nước đọng làm nơi trú ngụ cho muỗi, chị Kiều còn thường xuyên đốt nhang trừ muỗi, cho con ngủ mùng kể cả ban ngày.

Chị Kiều cho biết: “Giờ đang bước vào đầu hè, mưa nhiều nên muỗi cũng xuất hiện nhiều hơn. Mình thường xuyên dọn dẹp các chai lọ, vật dụng chứa nước có thể làm nơi trú ngụ của muỗi, xịt thuốc trừ muỗi xung quanh nhà. Bên cạnh đó, mình cũng chú ý vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng thông qua bữa ăn để trẻ phát triển khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh”.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc học của các em học sinh tại trường cũng kéo dài hơn so với mọi năm. Vì vậy, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh mùa hè tại trường học như: tăng cường diệt lăng quăng, dọn bỏ vật dụng phế liệu đọng nước xung quanh; thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học sạch sẽ thoáng mát; bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Cùng với đó, nhà trường cũng tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức về cách phòng chống bệnh mùa hè ở trẻ, thực hiện tốt việc tiêm chủng đảm bảo đúng lịch, đủ mũi tiêm để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Chị Trần Bích Tuyền, ngụ huyện Trần Văn Thời cho hay: “Mọi năm thời điểm này trẻ đã bắt đầu nghỉ hè, nhưng năm nay do dịch COVID-19 nên việc học kéo dài hơn. Con tôi đang học lớp 3, cháu đã có ý thức trong việc phòng bệnh cho bản thân. Tôi cũng trang bị thuốc ngừa muỗi cho cháu khi ở trường và chú trọng tiêm ngừa đầy đủ các mũi tiêm phòng bệnh sởi, quai bị… cho cháu để phòng các loại bệnh”.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nhưng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát, nhất là ở đối tượng trẻ em. Đáng chú ý có nhiều trường hợp ca bệnh sốt xuất huyết nặng, đưa đến viện điều trị trễ do phụ huynh còn nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và COVID-19. Cả 2 bệnh này khi mới mắc ở giai đoạn đầu triệu chứng sẽ tương đối giống nhau, có thể gây nhầm lẫn. Vì vậy, người bình thường sẽ rất khó phân biệt.

Bác sĩ CKII, Trần Thiên Lý, Trưởng phòng Quản lý chất lượng phụ trách khoa Hồi sức tích cực - chống độc Nhi, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau cho biết: “Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đặc biệt là sốt, đau bụng, hoặc xuất huyết dưới da, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám điều trị. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc, tự điều trị tại nhà vì việc này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”.

Theo bác sĩ Lý, từ đầu năm đến nay, các ca bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay chân miệng nhập viện nội trú điều trị tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh giảm đáng kể so với cùng kỳ, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết tính đến thời điểm này chỉ có gần 20 ca.

“Tuy nhiên, hiện đang bước vào thời điểm mùa hè, dễ phát sinh các loại bệnh trên trẻ nên các bậc phụ huynh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, cần chú ý theo dõi sát diễn biến sức khỏe của trẻ, tiêm ngừa đầy đủ theo lịch trình và tăng cường bổ sung các vi chất dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe của trẻ”, bác sĩ Lý khuyến cáo.

T.Đ