Chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng Zero-COVID đang khiến Trung Quốc 'mất nhiều hơn được'

Quốc tế - Ngày đăng : 10:42, 19/05/2022

Một chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng các biện pháp chống dịch của Trung Quốc đang gây ra nhiều thiệt hại cho tuổi thọ người dân nước này.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định Trung Quốc nên cho phép tranh luận cởi mở hơn về hậu quả của chính sách 'Zero-COVID' mang lại trong bối cảnh lo ngại nước này đang "mất nhiều hơn được" từ các cuộc phong toả kéo dài gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Làn sóng biến thể Omicron bùng phát gần đây và các biện pháp chống dịch khắc nghiệt đã tác động lớn vào nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Điều này làm dấy lên sự lo ngại rằng Trung Quốc có thể không đạt được mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm nay.

Mặc dù Trung Quốc đang triển khai các biện pháp khắc phục nền kinh tế, nhưng vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách 'Zero-COVID' với lập luận rằng nước này đặt con người và mạng sống lên trên hết.

Tuy nhiên, một giáo sư kinh tế nổi tiếng đã cho rằng chiến lược 'Zero-COVID' của chính phủ Trung Quốc có vấn đề. Bình luận này đã tạo nên một cuộc tranh luận lớn trên mạng xã hội. 

c6f517f3-5fb5-44ce-ad8d-9d51a407b08b.jpeg
Một nhân viên y tế đứng cạnh rào chắn tại một khu vực bị phong toả tại Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: Internet

Theo David Li Daokui thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), các biện pháp chống dịch của Trung Quốc trong 2 năm qua đã giúp kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân thêm từ 5 - 10 ngày mỗi năm.

Song ông Li cho biết mức thu nhập bình quân đầu người giảm 1% sẽ rút ngắn tuổi thọ trung bình của mỗi người 10 ngày mỗi năm. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần phải tập trung hơn vào việc bảo vệ dây chuyền công nghiệp và dây chuyền sản xuất của Trung Quốc trong khi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 được đưa ra, bởi vì điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

"Ổn định kinh tế là bảo vệ tính mạng người dân", ông Liu nói và nhấn mạnh rằng cần thêm nhiều nỗ lực hơn trong lĩnh vực này.

Các cuộc tranh luận về chính sách 'Zero-COVID' cũng ngày càng gia  tăng tại Trung Quốc và cả quốc tế. 

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước cho biết chính sách này "không bền vững" và việc thay đổi nó "rất quan trọng". 

Trước những bình luận của ông Li, một số người tỏ ra nghi hoặc và thậm chí còn công khai chế giễu, song cũng có người lại có cái nhìn tổng thể hơn.

Huang Yanzhong, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết ước tính của ông Li chỉ là phép ngoại suy đơn giản và không tính đến nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như sức khỏe cộng đồng và nhân khẩu học.

Huang Yanzhong cho rằng những bình luận của Li có thể "biện minh" cho chính sách 'Zero-COVID' nhưng cũng mâu thuẫn với kết luận cuối cùng cho thấy nước này “mất nhiều hơn được” từ các biện pháp chống dịch. 

Trả lời bài viết của ông Li, James Liang Jianzhang, đồng sáng lập công ty du lịch Ctrip Group và một nhà nhân khẩu học, lại ước tính ngược rằng việc kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc sẽ làm giảm tuổi thọ của người dân 4 ngày mỗi tháng.

Liang cho biết: "Có thể nói rằng chỉ cần phong toả một vài tháng sẽ tiêu tốn hết 10 ngày tuổi thọ được tăng thêm trong 2 năm qua". 

Nếu tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc tăng lên 95% với người được tiêm 2 mũi vắc xin và 60% với người tiêm 3 mũi vắc xin, số ca tử vong do COVID-19 sau khi nới lỏng các biện pháp chống dịch hiện tại sẽ là gần 150.000, ngang bằng với nhiều quốc gia khác, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 1,5 triệu ca tử vong được dự đoán trước đó. 

Mặc dù bài viết của Liang đã bị kiểm duyệt, nhiều chuyên gia cho biết nó đã khơi mào cho những cuộc tranh luận lớn. 

"Vấn đề là liệu các quan chức có cho phép tranh luận cởi mở trong lĩnh vực này không?"

Huang ước tính rằng số người chết có thể là khoảng 120.000 người ở Trung Quốc sau khi nới lỏng các biện pháp chống dịch và đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Con số này thậm chí còn ít hơn so với số ca tử vong hàng năm do ô nhiễm không khí và thuốc lá tại nước này.

xian-in-this-photo-released-by-chinas-xinhua-news-agency-people-line-up-for-.jpeg
Người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện xét nghiệm hàng loạt - Ảnh: Internet

 Việc thảo luận về chính sách 'Zero-COVID' đã trở nên vô cùng nhạy cảm về mặt chính trị trước thềm đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào cuối năm nay.

Một trong những tuyên bố của Li là nếu Trung Quốc có thể đưa chuỗi công nghiệp trở lại hoạt động bình thường, cứ tăng 0,1% tốc độ tăng trưởng kinh tế thì tuổi thọ trung bình mỗi năm của người dân có thể tăng thêm 6 ngày nữa. 

"Đó là một vấn đề cần được chứng minh khoa học càng sớm càng tốt. Làm thế nào để tính toán tác động tích cực và tiêu cực của các chính sách khác nhau đối với tuổi thọ trung bình của người dân", Liang cho biết.

Huang Shaoan, một giáo sư kinh tế tại Đại học Sơn Đông (Trung Quốc), cho biết các biện pháp chống dịch cũng là một phần nguyên nhân gây ra tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập của người dân giảm.

"Trung Quốc nên thay đổi chính sách chống dịch", Huang Shaoan nói, đồng thời kêu gọi nước này nên có cách tiếp cận "khoa học" hơn như việc sử dụng các loại thuốc và phương pháp điều trị phòng ngừa mang lại "hiệu quả và tiện lợi hơn". 

Trong khi đó, thiệt hại kinh tế của các chính sách chống dịch đang ngày càng gia tăng.

Theo Zhou Junzhi, trưởng nhóm phân tích vĩ mô tại Minsheng Securities, một đợt xét nghiệm PCR hàng loạt cứ 3 ngày/ lần có thể tăng thêm 700 tỷ nhân dân tệ (104 tỷ USD) vào chi tiêu tài khóa mỗi năm.

Bà Zhou Junzhi cũng nhấn mạnh các biện pháp chống dịch chỉ trong năm nay dự kiến sẽ tiêu tốn ngân sách chính phủ từ 1,8 - 3,4 nghìn tỷ nhân dân tệ. 

Đan Thuỳ