Đề nghị gỡ khó việc vật liệu xây dựng tăng đột biến

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:21, 19/05/2022

Các bộ, ngành đề nghị Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với việc tăng giá đột biến các vật liệu xây dựng nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Tại cuộc họp kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ngày 19.5, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng giao cho 8 bộ ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 2 là 3.477 tỉ đồng (gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam).

Đến nay, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án gần 3.218 tỉ đồng, đạt 92,54%, còn lại số chưa phân bổ là 259, 2 tỉ đồng.

Nguyên nhân chưa phân bổ, giao hết kế hoạch đầu tư công là số vốn này dự kiến cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới nhưng do chưa có quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 theo quy định của Luật đầu tư công.

Về tình hình giải ngân, tổng số vốn ngân sách nhà nước của 8 bộ ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 2 đã giải ngân tính đến ngày 30.4.2022 là 119.539 tỉ đồng, đạt 3,44% kế hoạch năm 2022, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (16,35%).

Ước giải ngân 5 tháng của 8 bộ ngành, cơ quan Trung ương tính đến 31.5.2022 khoảng 337.329 tỉ đồng, đạt 9,70% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, vẫn thấp hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước (20,27%).

Theo báo cáo, các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu là do tình hình giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng… Đối với các dự án khởi công mới, đa số các công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng.

Một nguyên nhân nữa là một số dự án được bố trí vốn nhiều để đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm (chủ yếu mới thực hiện thủ tục kê biên, kiểm đếm và lập phương án đền bù, thẩm định giá chậm) nên giải ngân rất thấp.

Đồng thời, quá trình triển khai các dự án cũng phải mất nhiều thời gian cho việc thực hiện các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán công trình, khi đó mới đủ điều kiện tổ chức đấu thầu thi công. Do đó, tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm…

xay-dung.jpg
Gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công

Ngoài ra, chất lượng công tác chuẩn bị một số dự án còn thấp nên vướng mắc khi triển khai; công tác thẩm định tư vấn còn chậm; các đơn vị thuộc tổ công tác số 2 còn gặp khó khăn, thiếu cán bộ chuyên môn về xây dựng.

Các bộ, ngành kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn về việc áp dụng quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP để tính toán thuế giá trị gia tăng trong xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng các địa phương trong lĩnh vực thẩm định thiết kế bản vẽ thi công – dự toán và kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công; sửa đổi quy định về thẩm quyền công tác ghiệm thu đối với các dự án do cơ quan trung ương quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định dầu tư theo hướng phân cấp cho các Sở Xây dựng địa phương thực hiện.

Các bộ ngành cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để UBND các tỉnh tạo điều kiện bàn giao đất sạch, đẩy mạnh các biện pháp liên quan đến việc đền bù để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của địa phương và sớm báo cáo Bộ Tài chính thống nhất để giao đất chính thức cho các dự án đầu tư.

Đồng thời đề nghị Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với việc tăng giá đột biến các vật liệu xây dựng nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mỗi bộ cơ quan trung ương, địa phương có dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.

Vì vậy các bộ ngành, cơ quan Trung ương cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác đầu tư công.

Lam Thanh