Chấn chỉnh thị trường trái phiếu DN: Cái giá phải trả để có một thị trường quy củ

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:27, 19/05/2022

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc siết chặt thi trường trái phiếu gần đây tạo ra những khó khăn nhưng sẽ tạo niềm tin cho thị trường. Đây cũng là cái giá phải trả để có môt thị trường quy củ và ổn định.

Chiều 19.5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiệu quả, bền vững”.

Trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu hạ nhiệt

Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch thường trực VCCI cho biết, trong 5 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỉ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).

Trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển, lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của quốc gia.

TS Cấn Văn Lực cũng cho biết, thị trường TPDN Việt Nam đang rất tiềm năng. Triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đánh giá tốt, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% đến năm 2030.

Không những vậy, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung- dài hạn (ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 – 1 triệu tỉ đồng vốn trung-dài hạn).

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường TPDN như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.

Theo ông Lực, chất lượng TPDN tiềm ẩn rủi ro khi TPDN phát hành riêng lẻ chiếm đa số (94,5% thời gian qua). Xuất hiện rủi ro cho nhà đầu tư khi nhiều tài sản đảm bảo (TSBĐ) có rủi ro thay đổi giá trị nhanh (như cổ phiếu, quyền tài sản phát sinh…), hay TSBĐ khó xác định giá trị (bao gồm BĐS hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa niêm yết…).

Ngoài ra, năng lực, uy tín của chủ thể phát hành chưa đảm bảo; trong khi còn xảy ra hiện tượng lách luật và báo cáo tài chính, cáo bạch phát hành chưa đủ mức công khai, minh bạch; nền tảng nhà đầu tư còn yếu, khá nhiều NĐT cá nhân (lên đến 30% đầu tư thứ cấp; tự đầu tư, chưa ủy thác qua các quỹ đầu tư); thiếu các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư khác…

Đồng thời quy định pháp luật về phát hành TPDN tuy đang dần được hoàn thiện, nhưng chưa thực sự chặt chẽ, trong khi các chủ thể tham gia thị trường rất tinh vi, tinh xảo và thị trường phát triển rất nhanh; thị trường thiếu vắng việc định hạng tín nhiệm, dẫn đến thiếu cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm hay rủi ro của tổ chức phát hành hoặc từng đợt phát hành.

Kinh nghiệm từ thị trường Mỹ

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thị trường TPDN tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây.

“Mặc dầu thị trường chưa rơi vào khủng hoảng nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ. Cũng như tại thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái 2008 người thiệt hại nhất là người dân với tiền tích luỹ được đầu tư vào những trái phiếu với lợi tức cao nhưng đầy rủi ro”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, thị trường phát hành riêng lẻ sẽ phát triển mạnh hơn so với thị trường phát hành ra công chúng nhưng lại là thị trường rủi ro hơn vì các qui định về phát hành không chặt chẽ như phát hành ra công chúng.

Ở Mỹ sau cuộc đại khủng hoảng, Đạo luật Dodd-Frank ra đời nhằm chấn chỉnh lại thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu để bảo vệ người tiêu dùng là những nhà đầu tư cá nhân. Đạo luật này quy định việc thiết lập một số những định chế mới để nâng cao sự kiểm soát thị trường và làm tăng tính minh bạch của thị trường.

“Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường”, ông Hiếu nêu quan điểm.

tp.jpg
Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” - Ảnh: Trí Lâm

Theo chuyên gia này, nhiều người hiện nay lo ngại việc siết chặt thi trường của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường. Tuy nhiên, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

“Dĩ nhiên sẽ tạo ra những khó khăn cho thi trường, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường, và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có môt thị trường đi vào quy củ và ổn định”, ông Hiếu chia sẻ.

Cuối cùng là việc xếp hạng tín nhiệm, ông Hiếu cho biết Nghị định 88 quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, trong đó cần có quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC

Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư (investment grade) và không đầu tư (non-investment grade) để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu DN.

“Còn việc gọi nhóm non-investment grade là “trái phiếu rác” như ở Mỹ thì có lẽ chưa nên vì các nhà đầu tư của Việt Nam yếu bóng vía lắm, nghe trái phiếu rác thì các nhà đầu tư chạy mất dép”, ông Hiếu nêu.

Đồng thời, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng góp ý cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm; kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng…

Đối với Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ ban hành năm 2020, ông Hiếu cho rằng trong bản báo cáo bạch (Offering Circular) các nhà phát hành phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn (chẳng hạn một lộ trình dùng vốn để thực hiện một dự án đầu tư, với những cột mốc thời gian nhất định, và các báo cáo tiến độ thực hiện trong từng quý, từng năm).

Ngoài ra, cần làm rõ các phương pháp trả nợ và lãi và tính lãi suất cố đinh hay thả nổi và thả nổi dựa vào các chỉ số nào; bản cáo bạch cũng phải nêu rõ những cam kết tài chính (gọi là Covenants) chẳng hạn các tỷ lệ tài chính, thanh khoản, đòn bẩy tài chính mà nhà phát hành phải tuân thủ; khi nhà phát hành vi phạm những cam kết này thì nhà đầu tư có chế tài gì…

Lam Thanh