Tổng thống Biden chuẩn bị công du châu Á
Quốc tế - Ngày đăng : 17:16, 19/05/2022
Tổng thống Biden xem Trung Quốc như thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất ông phải đối mặt khi nắm quyền. Nhà lãnh đạo cũng nhiều lần tuyên bố Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế chính của Mỹ, đồng thời nỗ lực xây dựng chính sách cùng mạng lưới quan hệ đối tác phục vụ cho việc cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc chiến Nga phát động tại Ukraine khiến chính quyền Tổng thống Biden bị xao nhãng. Giới chuyên gia nhận định gần như chắc chắn rằng Mỹ trong ngắn và trung hạn phải dành nhiều nguồn lực hơn để củng cố an ninh châu Âu, trong khi vẫn cần tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á cùng đối đầu Trung Quốc.
Theo cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Charles Kupchan: “Tôi không nghĩ thay đổi hiện tại là tạm thời. Nga đã tỏ ra khá hung hăng nên đòi hỏi ta phải cảnh giác ở Đông Âu, phải triển khai nhiều quân Mỹ hơn ở sườn phía đông NATO, nhiều tàu và máy bay hơn”.
Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định họ đủ sức lưu ý và dành nguồn lực cho cả hai khu vực. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu ngày 18.5: “Đối với chúng tôi, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng chiến lược châu Âu mà chúng tôi theo đuổi có mức độ tích hợp và cộng sinh nhất định. Năng lực tích hợp độc nhất của Tổng thống Biden sẽ là dấu ấn chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của ông”.
Chuyến công du châu Á chuẩn bị bắt đầu vào ngày 20.5 với điểm đến đầu tiên là Hàn Quốc. Tổng thống Biden dự kiến gặp người đồng cấp mới đắc cử Yoon Suk-yeol, sau đó sang Nhật Bản hội kiến nhà lãnh đạo ba nước Nhật, Ấn Độ, Úc – cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp thứ hai của nhóm Quad.
Nga có thể nằm trong chương trình nghị sự. Giới chức tình báo Mỹ nhận định Trung Quốc hiện đang theo dõi chặt chẽ và tính toán xem phản ứng toàn cầu với cuộc chiến tại Ukraine ảnh hưởng ra sao đến mục tiêu thống nhất Đài Loan.
Học giả Yuko Nakano thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết cuộc chiến tại Ukraine được xem như “hình ảnh phản chiếu” cách thức Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
“Tôi nghĩ Thủ tướng Nhật sẽ nhân dịp này (gặp gỡ Tổng thống Biden) nhắc lại thông điệp nhấn mạnh rằng việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là không thể chấp nhận được không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á”, theo học giả Nakano.
Về khả năng Tổng thống Biden nhân chuyến công du gửi thông điệp cảnh báo đến Trung Quốc, cố vấn Sullivan tuyên bố: “Mục tiêu của Nhà Trắng là đưa ra tầm nhìn cho thấy thế giới sẽ ra sao khi các nền dân chủ và xã hội cởi mở trên thế giới hợp tác với nhau định hình quy tắc, an ninh cho khu vực, củng cố các liên minh mạnh mẽ”.
Tổng thống Biden cũng sẽ bàn luận về CHDCND Triều Tiên, Nhà Trắng lo ngại Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo hay thậm chí thử hạt nhân lúc nhà lãnh đạo Mỹ công du châu Á. Khí hậu, an ninh mạng và công nghệ mới nổi cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Chuyến đi còn là dịp để Tổng thống Biden trình bày rõ hơn về chiến lược đối phó Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken vốn dĩ có bài phát biểu trình bày chi tiết chiến lược, nhưng cuối cùng lại bị hoãn vì ông dương tính với COVID-19.
Nhà phân tích Scott Kennedy thuộc CSIS đánh giá Mỹ có lợi thế trong nỗ lực đối phó Trung Quốc. Đối thủ châu Á đang vất vả chống dịch bằng cách phong tỏa nhiều địa phương, tự tàn phá nền kinh tế của mình. Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đều thân Mỹ và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lịch sử vừa diễn ra cũng tiếp sức cho Tổng thống Biden.
Không chỉ gặp gỡ các nhà lãnh đạo, Tổng thống Biden còn dự định công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) khi có mặt ở Nhật. IPEF được kỳ vọng tạo điều kiện cho hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại, xây dựng tiêu chuẩn cho nền kinh tế số và công nghệ, đảm bảo chuỗi cung ứng và chống biến đổi khí hậu.