Dân có thể sản xuất điện mặt trời để dùng, thừa thì bán cho chính phủ
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 20:13, 13/09/2016
Tại buổi hội thảo về điện mặt trời Việt Nam do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (GIC/AHK Vietnam) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức, ông Phạm Trọng Thực, Cục trưởng Cục Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhận định Việt Nam có nguồn năng lượng từ mặt trời rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Những hạn chế trong khai thác điện mặt trời bao gồm việc thiếu khung pháp lý, như cơ chế về giá đủ hấp dẫn; cơ chế hỗ trợ đất đai, công nghệ và thuế cho doanh nghiệp (DN).
Thêm vào đó, thời gian hòa vốn đối với một dự án điện mặt trời khá dài, ngay tại Đức cũng mất từ 12 -14 năm, là một trong những thách thức không nhỏ cho DN. Cuối cùng, Việt Nam là thị trường còn khá mới mẻ đối với điện mặt trời, người dân còn ít biết về loại năng lượng này. “Cần có cơ chế khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời phục vụ nhu cầu, và nếu dư thì có thể bán lại cho chính phủ”, ông Thực nói. Hiện tại, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam chiếm chưa được 0,5% tổng sản lượng điện quốc gia.
Là một quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời, trong năm 2015, Đức có thể đáp ứng điện mặt trời trong những ngày nắng nóng lên đến 35% nhu cầu sử dụng điện năng của cả nước. Các DN Đức trong lĩnh vực điện mặt trời kỳ vọng qua buổi hội thảo sẽ có cơ hội tìm hiểu thị trường và hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, tiến tới thành lập các liên doanh thực hiện dự án điện mặt trời.
“Chúng tôi mong đợi một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp điện mặt trời tại Việt Nam vì những ưu điểm nổi trội của nó trong tương lai. Với công nghệ và thiết bị của Đức, vị trí thuận lợi và các chính sách ưu đãi của Việt Nam thì hai bên hoàn toàn có thể hợp tác trong dự án năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời”, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam nhận định.
Kim Vân