Thụy Điển đã chọn quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ, cánh cửa vào NATO coi như khép lại
Quốc tế - Ngày đăng : 09:02, 21/05/2022
Thụy Điển lựa chọn "bảo vệ" những kẻ khủng bố bằng từ chối hoặc không đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ các thành viên đào tẩu của các nhóm khủng bố, Cơ quan Anadolu (AA) đưa tin hôm 20.5.
Theo Daily Sabah dẫn các nguồn tin, Thụy Điển đã không những từ chối dẫn độ lại còn cấp quyền công dân cho Mehmet Sıraç Bilgin, Aysel Alhan, Aziz Turan, Ragıp Zarakolu và Halef Tak, tất cả đều có liên hệ với nhóm khủng bố PKK.
Các nhà chức trách Thụy Điển cũng không đáp ứng yêu cầu dẫn độ đối với các thành viên của Nhóm Khủng bố Gülenist (FETO), bao gồm Harun Tokak, một đặc vụ cấp cao và người được gọi là đại diện Israel của nhóm, cũng như Bülent Keneş, một cựu biên tập viên tiếng Anh của Zaman Today - cơ quan ngôn luận FETO.
Tương tự, Stockholm cũng không phản ứng khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dẫn độ các thành viên FETO Levent Kenez và Yılmaz Ayten, những người đã được tị nạn ở Thụy Điển sau nhiều năm sống ở Afghanistan.
Ankara cho biết trong chiến dịch chống khủng bố kéo dài hơn 40 năm, PKK - bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố - đã gây ra cái chết của hơn 40.000 người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh. YPG là chi nhánh của PKK tại Syria.
FETO và nhà lãnh đạo củ tổ chức sống tại Mỹ Fetullah Gülen đã dàn dựng cuộc đảo chính bị đánh bại vào ngày 15.7.2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó 251 người thiệt mạng và 2.734 người bị thương.
FETO cũng đứng sau một chiến dịch kéo dài nhằm lật đổ nhà nước thông qua sự xâm nhập vào các cơ quan Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là quân đội, cảnh sát và tư pháp.
Tổ chức khủng bố PKK sử dụng tên lửa AT4 do Thụy Điển sản xuất, trong các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, AA cũng đưa tin.
Theo các nguồn tin an ninh, tên lửa đã được PKK sử dụng rộng rãi trong nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, cả trong và ngoài biên giới. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thu giữ tên lửa AT4 từ một nơi ẩn náu của PKK ở miền bắc Iraq.
Tương tự, có tới 17 tên lửa AT4 được lực lượng an ninh tìm thấy trong các năm 2020 và 2021 trong 7 vụ việc riêng biệt từ nhiều địa điểm khác nhau ở tỉnh Hakkari.
Tại tỉnh Şırnak, lực lượng an ninh đã tìm thấy 5 tên lửa AT4 vào 4 dịp khác nhau từ năm 2019 đến năm 2021.
Trong khi đó, tại các khu vực khác nhau của miền bắc Iraq, bao gồm cả Hakurk và Avashin-Basyan, 13 tên lửa AT4 đã được phát hiện từ năm 2018 đến năm 2021 trong bốn vụ việc khác nhau.
Hệ thống vũ khí, với dòng sản phẩm rộng rãi, là một trong những loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ phổ biến nhất trên thế giới. Tầm bắn hiệu quả của vũ khí cơ động này là 200-1.000 mét. Nó được thiết kế để tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa các phương tiện bọc thép và công sự.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngoại trưởng Thụy Điển hôm 20.5 đã đưa ra "thông tin sai lệch" về Thụy Điển và PKK, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc quốc gia Bắc Âu hỗ trợ cho nhóm chiến binh, làm phức tạp thêm sự mở rộng của NATO.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cũng cho biết ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hôm 20.5 đã đưa ra "thông tin sai lệch" về Thụy Điển và PKK. "Do sự lan truyền rộng rãi của #disinformation về (Thụy Điển) và PKK, chúng tôi muốn nhắc lại rằng chính phủ (Thụy Điển) của Olof Palme là người đầu tiên sau (Thổ Nhĩ Kỳ) liệt PKK là một tổ chức khủng bố, vào năm 1984", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trên Twitter.
"EU đã hưởng ứng vào năm 2002 ... Quan điểm này đến nay vẫn không thay đổi", bà nói.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên lâu đời của NATO, đã lên tiếng phản đối việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, chỉ trích các nước này dung túng và thậm chí hỗ trợ các nhóm khủng bố, bao gồm PKK và các chi nhánh của nó ở Syria.
Trong 5 năm qua, cả Helsinki và Stockholm đều không đồng ý với yêu cầu của Ankara về việc dẫn độ hàng chục phần tử khủng bố, bao gồm cả các thành viên của PKK và FETO.
Đại diện cấp cao của Phần Lan và Thụy Điển sẽ đến thăm Ankara trong những ngày tới để thảo luận về quá trình gia nhập của họ.