Ông Putin: Nga cần tăng cường phòng thủ vì các vụ hack tăng cao, giảm dùng phần cứng nước ngoài
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:12, 21/05/2022
Theo ông Putin, Nga phải tăng cường khả năng phòng thủ mạng bằng cách giảm sử dụng phần mềm và phần cứng nước ngoài.
Trang web của nhiều công ty nhà nước và các trang tin tức đã phải hứng chịu những cuộc tấn công mạng kể từ khi Nga đưa lực lượng vũ trang vào Ukraine từ ngày 24.2. Hacker thường cho hiển thị thông tin trái ngược với đường lối chính thức của Nga về cuộc xung đột.
"Các nỗ lực có mục tiêu đang được thực hiện để vô hiệu hóa tài nguyên internet của cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Nga. Các cuộc tấn công nghiêm trọng đã được thực hiện nhắm vào trang web chính thức của các cơ quan chính phủ. Các nỗ lực xâm nhập trái phép vào mạng của các công ty hàng đầu Nga cũng thường xuyên hơn nhiều", Tổng thống Putin nói. Ông cho biết thêm rằng các phương tiện truyền thông và các tổ chức tài chính Nga đã bị nhắm mục tiêu.
Trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga, ông Putin nói rằng nước này sẽ cần cải thiện an ninh thông tin trong các lĩnh vực then chốt và chuyển sang sử dụng công nghệ, thiết bị trong nước.
"Các hạn chế với CNTT, phần mềm và sản phẩm nước ngoài đã trở thành một trong những công cụ gây áp lực trừng phạt với Nga. Một số nhà cung cấp phương Tây đã đơn phương ngừng hỗ trợ kỹ thuật thiết bị của họ ở Nga", ông Putin phát biểu.
Tổng thống Nga cho biết các trường hợp chương trình bị chặn cập nhật đang trở nên thường xuyên hơn.
Rò rỉ dữ liệu khách hàng
Cơ quan quản lý truyền thông nhà nước (Roskomnadzor) hôm 18.5 cho biết đã chặn một trang web đang lưu trữ dữ liệu cá nhân của khách hàng nhiều công ty. Roskomnadzor không nêu tên các công ty.
VTB, ngân hàng lớn thứ hai Nga, được truyền thông trích dẫn, cho biết nhiều số điện thoại khách hàng đã bị rò rỉ nhưng không có rủi ro với tiền của họ.
Công ty thương mại điện tử Wildberries và nền tảng quảng cáo phân loại trực tuyến hàng đầu Nga - Avito đã phủ nhận báo cáo trên các phương tiện truyền thông rằng dữ liệu của họ đã bị rò rỉ.
Một vụ rò rỉ dữ liệu đầu tháng 3.2022 đã phát tán thông tin cá nhân chi tiết của hơn 58.000 người trên ứng dụng giao đồ ăn Yandex.Eda của gã khổng lồ công nghệ Yandex.
Delivery Club, đối thủ cạnh tranh của Yandex.Eda, hôm 20.5 đã gửi lời xin lỗi sau khi bị rò rỉ dữ liệu về các đơn đặt hàng người dùng.
"Dữ liệu bao gồm thông tin về các đơn đặt hàng và không ảnh hưởng đến chi tiết về ngân hàng. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để ngăn chặn việc phát tán dữ liệu", hãng thông tấn TASS dẫn lời Delivery Club cho biết.
Các cuộc tấn công mạng trong tháng này đã khiến trang web lưu trữ video RuTube ngoại tuyến trong ba ngày và thay đổi menu truyền hình vệ tinh ở Nga vào 9.5, ngày Nga kỷ niệm 77 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã.
Nga từ lâu đã tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng internet trong nước, thậm chí tự ngắt kết nối với internet toàn cầu trong các cuộc thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái.
Tuy nhiên, việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có để đáp trả việc Nga tấn công Ukraine đã làm gia tăng áp lực lên các hệ thống CNTT nước này.
Nga không chặn YouTube và không ngắt kết nối internet với toàn cầu
RuTube từng bị tê liệt 3 ngày liền bởi cuộc tấn công mạng khiến các nhóm chuyên gia an ninh bối rối và đặt câu hỏi về độ bền dịch vụ được xem là YouTube của Nga.
RuTube sau đó đã điều động một số chuyên gia khác nhau để điều tra vụ tấn công và sửa chữa thiệt hại, bao gồm cả một nhóm từ Trung tâm Bảo mật Chuyên gia của công ty an ninh mạng Positive Technologies (Nga).
Tờ báo Vedomosti trích dẫn lời Alexei Novikov, Giám đốc điều hành Positive Technologies, nói rằng RuTube đã bị tấn công có chủ đích nhằm vô hiệu hóa dịch vụ và có thể mất tới ba tuần để điều tra, phản hồi về quy mô vụ hack.
Denis Goidenko, người đứng đầu bộ phận ứng phó với các mối đe dọa bảo mật thông tin của Positive Technologies, cho biết trong một đoạn video trên Telegram: “Chúng tôi phải nắm rõ bộ công cụ cơ bản mà hacker đang sử dụng. Còn rất nhiều việc phải làm vì cơ sở hạ tầng của RuTube khá lớn và phức tạp".
Sự việc trên chỉ ra lý do Nga vẫn phụ thuộc vào YouTube, có khoảng 90 triệu người dùng hàng tháng trong nước và đưa ra manh mối vì sao Nga vẫn chưa chặn dịch vụ video của Mỹ như từng làm với các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instragram.
Hôm 17.5, Bộ trưởng Bộ phát triển kỹ thuật số Maksut Shadaev cho biết Nga không có kế hoạch chặn YouTube, thừa nhận rằng động thái như vậy có thể khiến người dùng nước này bị ảnh hưởng và do đó nên tránh.
Với khoảng 90 triệu người dùng hàng tháng ở Nga, YouTube cực kỳ phổ biến và đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Dù Nga có các phiên bản nội địa của các phương tiện truyền thông xã hội khác, nhưng giải pháp thay thế YouTube khả thi trên quy mô đó vẫn chưa xuất hiện.
"Chúng tôi không có kế hoạch đóng cửa YouTube. Trên hết, khi chúng tôi hạn chế một thứ gì đó, chúng tôi nên hiểu rõ ràng rằng người dùng của chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng", ông Maksut Shadaev nói.
Cạnh tranh là động cơ của sự tiến bộ và ngăn chặn là một biện pháp cực đoan, Maksut Shadaev nói tại một khán phòng rộng lớn trước chủ yếu là người Nga trẻ tuổi.
Căng thẳng âm ỉ giữa Nga và các hãng công nghệ lớn đã bùng lên thành một trận chiến thông tin sau khi Nga tấn công Ukraine.
Nga đã hạn chế quyền truy cập vào Twitter, Facebook và Instagram vào đầu tháng 3.2022.
Hồi tháng 4.2022, Nga tuyên bố sẽ trừng phạt Google vì đã chặn các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga tài trợ toàn cầu trên YouTube, với cáo buộc phát tán thông tin giả mạo về cái mà Nga gọi là hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hôm 19.5, Google Nga cho biết sẽ nộp đơn xin phá sản với lý do không thể tiếp tục duy trì hoạt động do bị nhà chức trách Nga thu giữ tài khoản ngân hàng.
“Việc chính quyền Nga thu giữ tài khoản ngân hàng của Google ở Nga khiến văn phòng tại Nga của chúng tôi không thể hoạt động, bao gồm việc tuyển dụng và trả lương cho nhân viên tại Nga, trả tiền cho nhà cung cấp cũng như đáp ứng các nghĩa vụ tài chính khác. Google Nga đã công bố thông báo về ý định nộp đơn phá sản”, người phát ngôn của Google cho biết.
Tháng 12.2021, Nga đã phạt Google 7,2 tỉ rúp (98 triệu USD) sau khi hãng này không xóa nội dung mà Nga coi là bất hợp pháp khỏi nền tảng của mình. Khoản tiền phạt chiếm khoảng 8% doanh thu của Google ở Nga.
Meta Plaforms bị Nga kết tội "hoạt động cực đoan" vào tháng 3.2022, phán quyết mà công ty Mỹ phản đối. Song, phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov nói ông sẽ không loại trừ việc Nga khôi phục việc truy cập Instagram, miễn là Meta Plaforms tuân thủ luật pháp của Nga về nội dung và đặt văn phòng tại địa phương.
Maksut Shadaev dội một gáo nước lạnh vào những gợi ý rằng Nga có thể tìm cách cô lập mình hơn nữa với cơ sở hạ tầng internet toàn cầu, thứ mà nước này tự ngắt kết nối trong các cuộc thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái.
Ông nói: “Chúng tôi không muốn khép mình với bất kỳ ai. Ngược lại, chúng tôi nghĩ rằng Nga nên tiếp tục là một phần của mạng lưới toàn cầu".