Báo Đức: Nga tử hình tù binh Azov trước tháng 9 là vi phạm cam kết với châu Âu

Hồ sơ - Ngày đăng : 08:11, 22/05/2022

Với việc Nga bị ép rời Hội đồng Châu Âu vào tháng 3, Nga không còn nghĩa vụ tuân thủ Công ước Châu Âu về Nhân quyền, nhưng nó vẫn có hiệu lực trong 6 tháng, tức là đến giữa tháng 9.

Hơn 2.300 binh sĩ Ukraine bảo vệ nhà máy thép Azov ở Mariupol đã bị Nga bắt giữ, theo Bộ Quốc phòng Nga. Những người lính bị thương cũng nằm trong số đó, một số đã được đưa đến điều trị tại Novoazovsk, khu vực thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk thân Nga.

azov.jpg

Các quan chức Ukraine đã đưa ra lời đảm bảo rằng các binh sĩ bị giam giữ có thể trở về nhà thông qua một cuộc trao đổi, và Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ hy vọng có thể cứu sống các binh sĩ khi nói rằng: "Ukraine cần những anh hùng Ukraine còn sống".

Án tử cho chiến binh Azov?

Tuy nhiên, Nga chưa vội đàm phán trao đổi. Chủ tịch Duma Quốc gia, Vyacheslav Volodin, thậm chí còn tuyên bố rằng không thể giao nộp các tù nhân chiến tranh Ukraine - người mà ông mô tả là "tội phạm phát xít”. Dự kiến vào ngày 26.5, Tòa án Tối cao Liên bang Nga ​​sẽ ra phán quyết về việc chỉ định Tiểu đoàn Azov là "tổ chức khủng bố" hay không. Nếu bị khép là khủng bố thì họ sẽ bị đem ra xét xử. Văn phòng Tổng công tố Nga được cho là đang tổ chức các cuộc họp bàn kín về một bản luận tội.

Về phần mình, Leonid Slutsky - chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma đồng thời cũng là thành viên trong đoàn của Nga đang đàm phán với Kyiv - đã đề nghị đưa các thành viên của Tiểu đoàn Azov ra xét xử cũng như áp dụng lại án tử hình vốn không được áp dụng từ năm 1996. "Cả thế giới nên thấy rằng những người theo chủ nghĩa cực hữu tại Ukraine đáng bị hành quyết", ông nêu quan điểm.

Theo chuyên gia quân sự Đức và cựu tướng NATO Egon Ramms, nếu Nga kết án tử hình binh sĩ Ukraine thì đó sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

"Những người lính đã được sơ tán khỏi Mariupol, bao gồm cả những người bị thương, là tù nhân chiến tranh", Ramms nói với đài truyền hình ZDF của Đức. "Điều đó tuân theo Công ước Geneva 1949. Khi tôi nghe các đại diện Duma lớn tiếng tuyên bố các binh sĩ xứng đáng nhận án tử hình, những dân biểu Nga đó dường như đã một lần nữa hiểu sai về tình huống pháp lý".

Công ước Geneva về đối xử với tù nhân chiến tranh được phê chuẩn vào tháng 8.1949 và Điều 13 của nó quy định: "Tù nhân chiến tranh luôn phải được đối xử nhân đạo. Làm tổn hại sức khỏe của một tù nhân chiến tranh bị giam giữ bị cấm, và sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng Công ước này".

Trong bối cảnh đó, Andreas von Arnauld, trưởng khoa luật tại Đại học Christian Albrechts ở Kiel, Đức, nhấn mạnh rằng tù nhân chiến tranh không thể bị trừng phạt chỉ vì tham gia vào xung đột vũ trang mà điều đó chỉ có thể áp dụng nếu họ tham gia vào các tội ác chiến tranh. Theo ông Arnauld, trong những trường hợp đó, họ có quyền được xét xử đúng thủ tục và công bằng tại tòa án.

Hậu quả từ việc Nga bị ép rời Hội đồng châu Âu

Christina Binder, giáo sư luật quốc tế và bảo vệ nhân quyền tại Đại học quân sự Bundeswehr Munich đưa ra một quan điểm quan trọng khác: Mặc dù Nga đã cam kết duy trì Nghị định thư 13 của Công ước Châu Âu về Bảo vệ Nhân quyền, cấm hình phạt tử hình nhưng họ chưa bao giờ phê chuẩn nó.

Với việc Nga bị ép rời Hội đồng Châu Âu vào tháng 3, điều này đồng nghĩa Nga không còn nghĩa vụ tuân thủ Công ước Châu Âu về Nhân quyền, nhưng nó vẫn có hiệu lực trong sáu tháng. Binder giải thích: "Các quy định về nhân quyền vẫn còn hiệu lực cho đến giữa tháng 9 năm 2022 và do đó, Nga phải chịu trách nhiệm... có thể bị đưa ra Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR)". Điều đó sẽ áp dụng luôn cho việc nếu họ tra tấn và hành quyết các chiến binh từ Tiểu đoàn Azov.

Không có chế tài để gây áp lực với Nga

Bà Binder cho biết các vi phạm nghiêm trọng đối với Công ước Geneva được xác định trong Điều 130 của tài liệu. Chúng bao gồm "cố ý giết người, tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo, bao gồm cả các thí nghiệm sinh học, cố ý gây ra đau khổ lớn hoặc thương tích nghiêm trọng cho cơ thể hoặc sức khỏe, buộc một tù nhân chiến tranh phục vụ trong lực lượng thù địch, hoặc cố ý tước đoạt quyền được xét xử công bằng và theo thông lệ của tù nhân chiến tranh".

Binder nói rằng trong trường hợp vi phạm như vậy, Nga có thể phải chịu trách nhiệm như một nhà nước, cũng như các cá nhân có thể chịu trách nhiệm hình sự. Bà nói: “Trong trường hợp hành quyết mà không có xét xử công bằng và theo thông lệ, Nga sẽ vi phạm luật nhân đạo quốc tế”. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận không có phương tiện để thực thi luật pháp quốc tế trong những trường hợp như vậy, do không có 'cảnh sát'. Do đó, các lệnh trừng phạt chỉ do các quốc gia khác tạo ra, ví dụ như trừng phạt kinh tế.

Các cá nhân cũng có thể bị tòa án quốc gia xét xử và chịu trách nhiệm riêng về những vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva. Tuy nhiên, bà Binder cho biết thêm, Tổng thống Vladimir Putin được hưởng quyền miễn trừ trong trường hợp này do ông là một nguyên thủ quốc gia. Bà nói rằng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng có thể được kêu gọi nếu có thể.

Bà Binder nói thêm: “Cả Nga và Ukraine đều không phải là đối tác trong hiệp ước theo Quy chế Rome. Tuy nhiên, Ukraine đã công nhận quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với các vi phạm Quy chế - trong trường hợp này là đối với các tội ác chiến tranh được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine vào năm 2014. Và trong những trường hợp như vậy, quyền miễn trừ của một nguyên thủ quốc gia trở nên không phù hợp".

Những người ủng hộ nhân quyền Ukraine đang quan tâm theo dõi số phận của các chiến binh vừa đầu hàng Nga. Luật sư Oleksandra Matviichuk, giám đốc Trung tâm Tự do Dân sự, một tổ chức phi chính phủ về quyền của Ukraine, gần đây đã nói với hãng tin iNews của Anh rằng LHQ nên đưa ra những đảm bảo rằng Nga sẽ duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và đảm bảo rằng các tù nhân chiến tranh Ukraine được tôn trọng phẩm giá.

Theo quan điểm của nữ luật sư, câu chuyện của những người phòng thủ ở nhà máy Azovstal đáng được kể cho thế hệ tương lai trong sách và phim: "Câu chuyện đó phải có một kết thúc có hậu".

Cả hai bên trong cuộc xung đột đã bị cáo buộc vi phạm các công ước Geneva trong việc đối xử với tù nhân. Matilda Bogner, người đứng đầu phái bộ giám sát nhân quyền của LHQ tại Ukraine, cho biết có “thông tin đáng tin cậy” về việc Ukraine ngược đãi tù nhân.

Bogner cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin đáng tin cậy về việc tra tấn, đối xử tệ bạc và giam giữ phi nhân đạo của các lực lượng vũ trang Ukraine đối với các tù nhân chiến tranh thuộc lực lượng vũ trang Nga và các nhóm vũ trang liên quan. Các binh sĩ “bị ép buộc phải tuyên bố, xin lỗi và thú nhận, và phải chịu các hình thức sỉ nhục khác”.

Theo Guardian

Anh Tú (theo DW)