Triều Tiên không phản hồi khi Tổng thống Biden đề nghị cung cấp vắc xin COVID-19

Quốc tế - Ngày đăng : 10:25, 22/05/2022

Các hạn chế về COVID-19 có thể khiến Triều Tiên thiếu phản ứng trước các đề nghị đàm phán ngoại giao.

Quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết điều này hôm 22.5, một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden đề nghị cung cấp vắc xin cho Triều Tiên, theo hãng tin Reuters.

Ông Biden đang ở Hàn Quốc trước khi tới Nhật Bản vào cuối ngày 22.5 trong chuyến công du đầu tiên qua châu Á với tư cách là Tổng thống Mỹ.

Gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 21.5, ông Biden nói sẽ đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và cho biết ông sẵn sàng đàm phán, bao gồm cả việc ngồi lại với nhà lãnh đạo Kim Jong Un nếu cần. Biden nói đã đề nghị gửi vắc xin COVID-19 đến Triều Tiên nhưng không nhận được phản hồi.

Triều Tiên cho biết các tuyên bố của Mỹ là thiếu chân thành vì nước này duy trì "các chính sách thù địch" như các cuộc tập trận và trừng phạt quân sự.

Hôm 17.5, hãng truyền thông Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin rằng Triều Tiên đã điều 3 máy bay đến Trung Quốc để nhận hàng y tế. Theo Yonhap, 3 máy bay Air Koryo từ Triều Tiên đã bay đến thành phố Thẩm Dương (Trung Quốc) vào ngày 16.5 trong các chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng này kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cách đây hơn 2 năm. Sau đó, 3 máy bay trở lại Triều Tiên cùng với các vật tư y tế vào cuối ngày.

"Họ có thể khai thác thêm các chuyến bay vì số lượng hàng y tế vận chuyển lần này dường như không đủ", Yonhap dẫn lời một nguồn tin đề cập đến Triều Tiên.

Khi được hỏi liệu ông Biden có sẵn sàng thực hiện các bước cụ thể để phá vỡ thế bế tắc hay không, quan chức cấp cao nói rằng chính quyền Mỹ đang tìm kiếm sự tham gia nghiêm túc chứ không phải những cử chỉ khoa trương.

"Đây là quyết định mà chỉ CHDCND Triều Tiên mới có thể đưa ra", quan chức này nói.

trieu-tien-khong-phan-hoi-khi-ong-biden-de-nghi-cung-cap-vac-xin-covid-19.jpg
Tổng thống Joe Biden và Yoon Suk-youl sánh bước tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul ngày 21.5 - Ảnh: Reuters

Trọng tâm của ông Biden trong chuyến đi là tập hợp các nền dân chủ "cùng chí hướng" để hợp tác nhiều hơn, một phần trong các nỗ lực rộng lớn hơn nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và gây áp lực lên Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Trong chặng thứ hai của chuyến công du châu Á đầu tiên với cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Úc (nhóm được gọi là Quad), một nền tảng khác trong chiến lược của ông nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã thể hiện sự quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ hơn với Quad, nhưng quan chức Mỹ nói hiện tại không có sự cân nhắc về việc thêm Hàn Quốc vào nhóm này.

"Đó là điều tự nhiên để suy nghĩ về những cách mà bạn có thể làm việc với các nền dân chủ cùng chí hướng khác, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhận ra rằng mục tiêu ngay bây giờ là phát triển và xây dựng những gì đã được đặt ra", quan chức chính quyền Mỹ cho biết.

Nhật Bản sẽ chứng kiến ​​việc công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương cho Thịnh vượng (IPEF) do Mỹ đề xuất, được ông Biden mong đợi từ lâu. Đây là chương trình nhằm ràng buộc các quốc gia trong khu vực chặt chẽ hơn thông qua các tiêu chuẩn chung trong những lĩnh vực bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và thương mại kỹ thuật số.

Quan chức Mỹ từ chối xác định những quốc gia nào có thể tham gia IPEF, nhưng cho biết họ hài lòng với sự quan tâm rất lớn trong toàn khu vực khi tham gia.

Trước đó, Bắc Kinh đã chỉ trích IPEF, gọi đây là nỗ lực của Mỹ nhằm thu hút các nước Đông Nam Á “tách khỏi Trung Quốc”.

Trước khi khởi hành đến Nhật Bản, Tổng thống Biden đã được lên lịch gặp ông Chung Mong-koo, Chủ tịch Hyundai Motor Group, công ty Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư mới vào Mỹ, và tham quan một căn cứ quân sự của Mỹ với ông Yoon Suk-yeol.

Triều Tiên báo cáo 'xu hướng tích cực' trong cuộc chiến với COVID-19

Hôm 22.5, truyền thông nhà nước cho biết lần đầu tiên sau gần 10 ngày, số ca bị sốt ở Triều Tiên giảm xuống dưới 200.000, báo cáo "một xu hướng tích cực" sau khi các biện pháp được thực hiện để kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở nước này.

Được công bố vào ngày 12.5, đợt bùng phát dịch COVID-19 đã làm dấy lên những lo ngại về việc thiếu vắc xin, cơ sở hạ tầng y tế không đầy đủ và một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn ở quốc gia 26 triệu dân. Triều Tiên đã từ chối hầu hết sự trợ giúp từ bên ngoài, đóng cửa biên giới và không cho phép xác nhận độc lập về dữ liệu chính thức.

Thiếu nguồn cung xét nghiệm, Triều Tiên chưa xác nhận tổng số người dương tính với COVID-19. Thay vào đó, các cơ quan y tế nước này báo cáo con số với các triệu chứng sốt, gây khó khăn cho việc đánh giá quy mô của đợt bùng phát dịch COVID-19, theo các chuyên gia nước ngoài.

Hôm 22.5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên - KCNA đưa tin rằng có thêm 186.090 người bị các triệu chứng sốt và một người nữa đã chết. KCNA cho biết hơn 2 triệu trong số 2,6 triệu người bị sốt đã phục hồi và số ca chết là 67.

"Tình hình hiện tại của dịch lây lan ở CHDCND Triều Tiên cho thấy một xu hướng tích cực, từ tốc độ tăng số ca nhanh chóng lúc ban đầu đến sự suy giảm sau khi được kiểm soát và quản lý ổn định. Số người phục hồi gia tăng hàng ngày trên toàn quốc", KCNA thông báo.

Năm ngoái, Triều Tiên cho biết đã phát triển thiết bị PCR của riêng mình để tiến hành các xét nghiệm COVID-19. KNCA cho biết Triều Tiên đang "đẩy nhanh việc phát triển thuốc thử xét nghiệm mới và thuốc thử xét nghiệm kháng thể để phát hiện sớm dịch bệnh".

Các nhà chức trách Triều Tiên đã triển khai lực lượng quân đội để phân phát thực phẩm và thuốc men trên khắp đất nước. Hơn 1 triệu nhân viên y tế, bao gồm cả sinh viên y khoa và giáo viên, đã được huy động để tiến hành kiểm tra sức khỏe "nhằm ngăn chặn và loại bỏ triệt để nguồn lây lan", báo cáo cho biết thêm.

Sơn Vân