Thụy Điển sẽ khó gia nhập NATO nếu còn day dứt với “vấn đề lương tri”
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:15, 23/05/2022
Aron Lund, một chuyên gia về Trung Đông tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (ROI) hôm 20.5 nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có gì phải đắn đo khi phủ quyết yêu cầu trở thành thành viên NATO của Thụy Điển.
Trên đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT, ông Lund cho rằng bất chấp những bất đồng với một số thành viên NATO, bao gồm Hy Lạp, Pháp và Mỹ thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia mà NATO phải coi trọng.
"Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có sức mạnh quân sự lớn thứ hai của NATO và vị trí địa chiến lược quan trọng ở Biển Đen, là một trong những thành viên quan trọng nhất của liên minh", ông Lund lưu ý.
Ông nói rằng ngay cả khi có ý chí chính trị để thực hiện yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ các thành viên nhóm khủng bố, cơ quan tư pháp Thụy Điển sẽ khó thực hiện bất kỳ lời hứa nào được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.
Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO vào 18.5 - một quyết định được thúc đẩy bởi cuộc chiến của Nga với Ukraine, bắt đầu vào tháng 2. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối việc kết nạp 2 thành viên Bắc Âu khi chỉ trích các nước này dung túng và thậm chí hỗ trợ các nhóm khủng bố. Tổng thống Erdogan nói 2 nước Scandinavi là nhà trọ cho các tổ chức khủng bố.
Phần Lan có vẻ đã nhượng bộ. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto hôm Chủ nhật cho biết Helsinki có thể đưa ra những cam đoan về an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động của nhóm khủng bố PKK tại nước này. Pekka Haavisto khảng định Phần Lan sẽ trấn an Ankara rằng họ sẽ bắt đầu giám sát các hoạt động của PKK một cách chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết: “Vì PKK bị coi là một nhóm khủng bố ở châu Âu, chúng tôi cần thực hiện trách nhiệm ngăn chặn các hoạt động khủng bố ở Phần Lan”.
Tuy nhiên, Thụy Điển thì lại không dễ nhượng bộ như Phần Lan bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không thay đổi lập trường nếu Thụy Điển duy trì quan hệ khủng bố.
Đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm Hakki Emre Yunt cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "không thay đổi" lập trường của mình đối với đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển chừng nào quốc gia Bắc Âu này còn "quan hệ với tổ chức khủng bố PKK".
Phát biểu với Cơ quan Anadolu (AA), Yunt cho biết chính quyền Thụy Điển không chấp nhận việc YPG và PKK là cùng một nhóm. Yunt nói rằng Thụy Điển tuyên bố rằng YPG không phải là một tổ chức khủng bố vì "họ đã rất hữu ích trong cuộc chiến với Daesh ở Syria và ở Iraq."
"Vì vậy, Thụy Điển muốn tiếp tục giúp đỡ chúng bằng các hình thức tài chính và cả một số thiết bị quân sự. Và chúng tôi đã nói với họ rằng hãy chấm dứt mối quan hệ này với YPG, nhưng họ đã từ chối điều này cho đến nay và cả với PKK vốn trong danh sách khủng bố của Thụy Điển và EU”.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ còn nói thêm: "Một số thành viên Quốc hội Thụy Điển đã ủng hộ chúng. Họ đã gây áp lực buộc chính phủ phải loại chúng (các nhóm khủng bố) khỏi danh sách khủng bố và có lập trường tiêu cực đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì cuộc chiến của chúng tôi với PKK. Vì vậy, chúng tôi không hài lòng về những điều này".
Yunt nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có "một số lo ngại khác như lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ, không dẫn độ một số thành viên của các tổ chức khủng bố như FETO (Nhóm Khủng bố Gülenist) và PKK", đồng thời khẳng định: "Vì vậy, ba vấn đề này là mối lo chính của Thổ Nhĩ Kỳ và đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra quyết định bác đơn vào NATO của họ".
Đại sứ Yunt cho biết thêm: "Khi chúng tôi chiến đấu chống lại YPG ở Syria, chúng tôi đã tìm thấy một số vũ khí được sản xuất tại Thụy Điển. Họ (Thụy Điển) cũng không giấu giếm rằng họ muốn giúp đỡ chúng (các nhóm khủng bố) về mặt tài chính. Vào năm tới, họ đã phân bổ một số tiền để giúp đỡ chúng vì họ coi chúng như một đồng minh ở Syria, nhưng chúng tôi đã cho họ xem hình ảnh của các nhà lãnh đạo YPG cùng với một số lãnh đạo PKK. Tuy nhiên, các nhà chức trách Thụy Điển không muốn chấp nhận điều đó. Chúng tôi thấy một tình huống rất khó xử. Bất chấp mọi bằng chứng, họ không muốn thừa nhận rằng hai nhóm này là cùng một tổ chức khủng bố".
Cuối cùng, Đại sứ Yunt khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thay đổi quan điểm của mình "chừng nào họ vẫn giữ thái độ này".
Vấn đề khó cho Thụy Điển là họ lâu nay coi YPG là một tổ chức quân sự thân thiện. Ngay cả phong trào PKK dù bị EU coi là khủng bố nhưng cũng không bị Stockholm nhìn bằng ánh mắt nặng nề. Để có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ vào NATO thì Thụy Điển phải thay đổi thái độ với YPG và điều này khiến Stockholm không sẵn sàng cho lắm.
Bằng chứng là vào hôm 21.5, những người ủng hộ phong trào PKK và phong trào YPG ở Syria đã biểu tình tại Stockholm để phản đối việc Thụy Điển đăng ký trở thành thành viên NATO. Họ kêu gọi các nhà chức trách Thụy Điển kiềm chế gia nhập khối an ninh và từ chối các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đòi Stockholm chấm dứt tài trợ cho YPG / PKK và các nhóm khác bị Ankara coi là khủng bố.
Trong cuộc biểu tình, lực lượng an ninh Thụy Điển đã không làm gì để ngăn cản những người ủng hộ PKK mang theo ảnh của Öcalan và cờ biểu tượng PKK cho dù trước đó Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phản đối việc Thụy Điển cho phép những người ủng hộ PKK hay YPG tụ tập biểu tình như vậy.
Vê mặt chiến thuật, đối với NATO thì việc Phần Lan gia nhập khối quan trọng hơn vì Phần Lan sát biên giới Nga trong khi Thụy Điển không có biên giới trên bộ với Nga. Tuy nhiên, nếu Thụy Điển không được vào NATO thì nó sẽ giáng mạnh vào uy tín của khối khi xuất hiện những rạn nứt không hàn gắn được.
Trong khi đó, Thụy Điển có lẽ sẽ không thay đổi lập trường với YPG vì đó là vấn đề lương tri, họ không thể quay lưng với một tổ chức mà họ đã duy trì sự ủng hộ bấy lâu nay để đầu hàng trước áp lực từ một quốc gia bên ngoài.