Trình 4 chuyên đề trong chương trình giám sát của Quốc hội 2023

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:52, 23/05/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 121 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (dự kiến giao Ủy ban Xã hội chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa - Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

qh-2.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng chương trình giám sát, có một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không lựa chọn và đã có giải trình cụ thể.

Đối với các đề xuất còn lại, căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xem xét, tiến hành giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình cho phù hợp.

Giám sát đúng và trúng

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, ông Cường đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu quốc hội, các vị đại biểu quốc hội phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát; tiếp tục đổi mới, giám sát “đúng” và “trúng”, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời cần tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát.

Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu quốc hội và các vị đại biểu quốc hội căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

qh-3.jpg
Cảnh kỳ họp

Trước đó, báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021 và bước đầu triển khai Chương trình giám sát năm 2022, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ hoạt động giám sát đã đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều đổi mới so với thông lệ trước đây.

Theo đó, trong năm 2021, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu quốc hội, các đại biểu quốc hội đã tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành chương trình, kế hoạch giám sát đã đề ra.

Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời những sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Lam Thanh