Đợt nắng khắc nghiệt ở Ấn Độ khiến khả năng khủng hoảng khí hậu xảy ra cao gấp 30 bình thường

Quốc tế - Ngày đăng : 10:36, 24/05/2022

Nhiều vùng ở Ấn Độ vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong 122 năm, với mức nhiệt lên tới 45 độ C, khiến hàng chục người tử vong.

Theo các nhà khoa học, đợt nắng nóng thiêu đốt Ấn Độ và Pakistan khiến khả năng khủng hoảng khí hậu xảy ra cao gấp 30. Nhiệt độ khắc nghiệt và lượng mưa thấp kể từ giữa tháng 3 đã gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng, bao gồm cả người chết, mất mùa, cháy rừng và nguồn cung cấp điện và nước bị cắt. 

Đây là nghiên cứu mới nhất cho thấy những tác động vốn đã nghiêm trọng của sự nóng lên toàn cầu đối với hàng triệu người, mặc dù nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng 1,2 độ C so với mức từ thời tiền công nghiệp cho đến nay. Các nhà khoa học ước tính nếu nhiệt độ tăng lên đến 2 độ C, các đợt nắng nóng gay gắt như hiện tại sẽ diễn ra thường xuyên ở Ấn Độ và Pakistan.

anh-chup-man-hinh-2022-05-24-luc-09.39.09.png
Người dân tại một khu dân cư ở New Delhi (Ấn Độ) mang xô chậu tới hứng nước từ xe bồn - Ảnh: Internet

Tháng 3 là thời điểm nóng nhất khi lượng mưa ít hơn 71% so với bình thường ở Ấn Độ và ít hơn 62% ở Pakistan. Tuần qua, nhiệt độ một số nơi ở khu vực thủ đô New Delhi (Ấn Độ) lên đến trên 49 độ C. Ba tháng liên tục Ấn Độ trải qua nắng nóng bất thường. Trong đó, tháng 3.2022 được ghi nhận là tháng nóng nhất trong 122 năm ở Ấn Độ và tháng 4.2022 là tháng nóng bất thường.

Đợt nắng nóng xảy ra sớm và mưa xuất hiện ít đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lúa mì của Ấn Độ. Quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của nước này cùng với việc thiếu nguồn cung từ Nga và Ukraine, hai trong số 5 quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, đã đẩy giá lúa mì lên mức cao nhất lịch sử trên các sàn giao dịch hàng hóa ở Chicago và châu Âu.

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ G7 khi nhóm này cho rằng các biện pháp như vậy sẽ "làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng" khi giá hàng hóa đang tăng hiện nay.

Ông Hardeep Singh Uppal, một nông dân Ấn Độ cho biết: "Vụ lúa mì của tôi năm nay giảm hơn dự kiến ​​50%. Mùa màng đã héo tàn vì sức nóng khủng khiếp".

Tiến sĩ Fahad Saeed, một nhà khoa học khí hậu có trụ sở tại Islamabad (Pakistan) làm việc với nhóm Phân tích khí hậu, cho biết: "Phần lớn dân số nghèo tại một số khu vực đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Bất kỳ sự nóng lên nào vượt quá 1,5 độ C đều có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu cho những người dễ bị tổn thương nếu không có hành động thích ứng và giảm thiểu mạnh mẽ". 

Ấn Độ đã triển khai các kế hoạch hành động chống các đợt nắng nóng ở 130 thành phố và thị trấn.

anh-chup-man-hinh-2022-05-24-luc-09.38.53.png
Một cậu bé ngâm người trong thùng nước giữa thời tiết nóng bức ở Ấn Độ hôm 3.5 - Ảnh: Internet

Một nghiên cứu riêng biệt vào tuần trước đã kiểm tra đợt nắng nóng kỷ lục năm 2010 ở Ấn Độ và Pakistan và phát hiện ra rằng nguy cơ xảy ra khủng hoảng khí hậu cao gấp 100 lần. Các phân tích khác gần đây cho thấy lũ lụt kinh hoàng ở Nam Phi và châu Âu, sóng nhiệt ở Bắc Mỹ và các cơn bão ở nam châu Phi đều trở nên dữ dội hơn bởi sự nóng lên toàn cầu.

Phân tích mới tập trung vào nhiệt độ tối đa trung bình hằng ngày trong tháng 3 và tháng 4 ở phía tây bắc Ấn Độ và đông nam Pakistan, những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi các đợt nắng nóng. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thời tiết và mô hình máy tính để so sánh tần suất các đợt nắng nóng có thể xảy ra trong bối cảnh khí hậu nóng bức hiện nay và trong một thế giới không có sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đợt nắng nóng kéo dài hiện nay vẫn là một sự kiện hiếm gặp ngay cả với tình trạng nóng lên toàn cầu, với 1% khả năng xảy ra mỗi năm. Song họ cũng tính toán rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm cho nó có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 30 lần. Điều này có nghĩa là các đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ là "cực kỳ hiếm" nếu không có khủng hoảng khí hậu.

Giáo sư Krishna Achuta Rao tại Trung tâm Khoa học khí quyển tại IIT Delhi (Ấn Độ) cho biết: "Nhiệt độ cao là phổ biến ở Ấn Độ và Pakistan, nhưng điều này trở nên bất thường khi nó bắt đầu quá sớm và kéo dài quá lâu. Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi nhiệt độ tăng lên và chúng tôi cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với nó". 

Tiến sĩ Friederike Otto tại Đại học Hoàng gia London (Anh), người đứng đầu nhóm Phân tích thời tiết thế giới, cho biết: "Ở các quốc gia mà chúng tôi có dữ liệu, sóng nhiệt là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất. Chừng nào việc phát thải khí nhà kính còn tiếp tục, những sự kiện như thế này sẽ ngày càng trở thành một thảm họa phổ biến". 

Đan Thuỳ