Giải thưởng Văn học tuổi 20: Không có tác phẩm trao giải Nhất
Văn hóa - Ngày đăng : 14:19, 24/05/2022
Lễ trao giải Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 diễn ra vào sáng ngày 24.5.2022 tại TP.HCM với sự tham gia của các tác giả có tác phẩm vào chung khảo. Đại diện thành đoàn TP.HCM, NXB Trẻ, báo chí và nhiều bạn đọc đã đến dự.
Giải thưởng năm nay khác với mọi năm, ban tổ chức (BTC) đã không tìm ra được tác phẩm để trao giải Nhất và có 7 tác phẩm được trao các giải tư, ba, nhì như sau:
Giải Tư thuộc về ba tác giả - tác phẩm: Có thú dữ trong thành phố của Nguyên Nguyên, Bảy bảy bốn chín của Hoàng Công Danh và Chopin biến mất của Hiền Trang.
Giải Ba được trao cho tác phẩm Vệt sáng của bụi của tác giải Lê Quang Trạng và Chuồng cọp trên cao nữ tác Nguyễn Thu Hằng
Hai giải Nhì thuộc về Vụn ký ức của tác giả Yang Phan và Nửa lời chưa nói của tác giả Duy Ân.
Lý giải về việc BTC không trao giải nhất cho cuộc thi năm nay, ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc NXB Trẻ, Trưởng BTC cho biết: “Dẫu biết rằng bất cứ giải thưởng nào cũng phải phân ra thứ hạng cao thấp, nhưng đối với chúng tôi, tất cả các tác giả đều là những người chiến thắng. Các tác giả trẻ đã chiến thắng những trở ngại trong cuộc sống riêng tư để cất lên tiếng nói của thế hệ mình; các bạn đã cho ra đời những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, tạo nên nhiều đồng cảm nơi người đọc. Chúng tôi vui mừng khi được nhìn thấy một lực lượng cây bút trẻ nhiều khát vọng đang trưởng thành, có triển vọng sẽ trở thành những tác giả vững vàng trên văn đàn”.
Xem video tổng kết giải thưởng Văn học tuổi 20:
Giải thưởng lần thứ 7 năm nay có một ý nghĩa hết sức đặc biệt vì kéo dài đến 2 năm do tác động của đại dịch COVID-19.
Giải thưởng Văn học tuổi 20 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 với sự phối hợp của 3 đơn vị: Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ, Cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20 nay đã bước sang mùa giải lần thứ 7. Kể từ năm 2019, NXB Trẻ là đơn vị tổ chức duy nhất và NXB Trẻ cũng đã đổi tên Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 thành Giải thưởng Văn học tuổi 20.
Từ giải thưởng này những cái tên Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ, Nhật Phi được công chúng biết đến và họ đang tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm góp phần làm phong phú cho đời sống văn học nước nhà.
Về ý nghĩa của giải thưởng, như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nói: “Có thể có những tác phẩm (đoạt giải) chỉ ‘đánh ùm một tiếng rồi thôi’, nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng ‘đánh ùm’ đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển…”.