Tỉnh Hậu Giang và bài toán đầu tư
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:50, 24/05/2022
Theo Sở KH-ĐT Hậu Giang, trong hai ngày 16 - 17.6 sẽ diễn Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022. Chủ đề hội nghị: "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui". Trong đó sẽ có 5 hội thảo về các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, công nghệ thông tin. Đồng thời sẽ diễn ra các hoạt động bên lề như khởi công, khánh thành một số dự án đầu tư; giới thiệu, trưng bày, kết nối cung cầu các sản phẩm đặc thù của địa phương...
Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng Hậu Giang vẫn là tỉnh có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Tỉnh Hậu Giang luôn chủ động trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, với quan điểm thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang, tỉnh đã đưa ra phương châm hành động “2 nhanh” và “3 tốt”. Theo đó, 2 nhanh là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt. Địa phương cũng sẽ luôn đồng hành với nhà đầu tư trong cung cấp thông tin dự án, hướng dẫn thủ tục về đầu tư, cũng như kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư từ khi tiếp cận dự án, triển khai, đưa dự án đi vào hoạt động cho đến khi kết thúc vòng đời dự án.
Ông Thành cho biết 4 tháng đầu năm nay thu nội địa của tỉnh được 1.832 tỉ đồng và mục tiêu thu ngân sách địa bàn 5.000 tỉ trong năm 2022 có khả năng đạt được. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13.000 - 15.000 tỉ đồng/năm, đồng thời sẽ tự chủ ngân sách.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh khẳng định Hậu Giang là địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Mặt khác, với vị trí địa lý giáp TP.Cần Thơ, gần sân bay, giáp sông Hậu nên Hậu Giang cũng có nhiều lợi thế trong phát triển bất động sản công nghiệp, đô thị, logicstics.
Cũng theo ông Thanh, Hậu Giang rất quan tâm đến việc TP.Cần Thơ được Quốc hội thông qua thí điểm các cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế, trong đó có việc thành lập Trung tâm Liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL. Hậu Giang và Cần Thơ đã có ký kết hợp tác phát triển. Vì vậy, Hậu Giang sẽ tận dụng cơ hội để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; giải quyết đầu ra nông sản xuất khẩu; nâng cao đời sống nông dân.
Hậu Giang sẽ có các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau đi qua. Đây là những thuận lợi về hạ tầng giao thông, góp phần thúc kinh tế đia phương phát triển. Thời gian tới, Hậu Giang sẽ hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư bởi vị trí địa lý và những ưu đãi đầu tư của một tỉnh lâu nay bị coi là “vùng sâu”.