Chỉ số cải cách hành chính: Bộ Tư pháp xếp đầu, cuối bảng là Bộ KH-CN
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:07, 25/05/2022
Sáng 25.5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của các bộ, ngành, các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 các bộ, cơ quan ngang bộ được phân loại gồm 03 nhóm điểm:
Kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 03 đơn vị: Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 13 đơn vị: Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kết quả Chỉ số CCHC dưới 80% có 1 đơn vị là Bộ Khoa học và Công nghệ với giá trị Chỉ số CCHC là 78.72%.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2021 là 86.07%, giảm 1.49% so với năm 2020 (đạt 87.56%). Tuy nhiên, xét trong 10 năm đánh giá thì kết quả Chỉ số CCHC tiếp tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2021 đã tăng cao hơn 10.69% so với năm 2012.
Theo thống kê, có 11/17 bộ, cơ quan đạt Chỉ số CCHC trên mức giá trị trung bình; 06/17 bộ, cơ quan có kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020, tăng cao nhất là Bộ Nội vụ (+2.20%); trong số các bộ có kết quả Chỉ số CCHC giảm so với năm 2020, giảm nhiều nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ (-6.43%).
Theo đánh giá, Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91.90%; trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 thấp nhất, đạt 78.72%.
Kết quả Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm:
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 03 tỉnh, thành phố.
Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 59 tỉnh, thành phố.
Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 01 tỉnh, thành phố.
Năm 2021, Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86.37%, cao hơn 2.65% so với năm 2020 (đạt 83.72%) và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%; 40/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức giá trị trung bình; 62 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, nhiều hơn các năm 2020 và 2019 lần lượt là 4 và 18 đơn vị.
Khoảng cách chênh lệch kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất tiếp tục duy trì xu hướng giảm so với 5 năm gần đây, năm 2021 khoảng cách này là 11.83%, giảm 5.96% so với năm 2020 (17.79%). Theo thống kê, năm 2021, có 60 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020; tăng cao nhất là tỉnh Quảng Ngãi (+13.20%), tăng thấp nhất là Đồng Tháp (+0.03%). Ngoài ra, vẫn còn 03 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC giảm nhẹ so với năm 2020 là Đồng Nai ( 0.49%), Tiền Giang (-0.51%) và Hà Nam (-1.94%).
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021: Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91.80%, cao hơn 0.66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91.14%).
Thành phố Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong tốp 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này, năm 2021 đạt 90.25% xếp vị trí thứ 3/63; trong khi đó, Vĩnh Phúc cũng có lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả năm 2021 đạt 89.28%, xếp vị trí thứ 5/63.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì được thành tích cao trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89.32%, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79.97% và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất cả nước (năm 2020, đạt 77.91%, xếp vị trí thứ 61/63).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết 76/NQ-CP.
Theo Bộ Nội vụ, năm 2021, những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ và các ngành, các cấp đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực; hàng loạt rào cản, khó khăn và thể chế, cơ chế, chính sách và nguồn lực đã được kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ và giải quyết, nhất là những vấn đề cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19; đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2021 và tiếp tục duy trì triển vọng tích cực của nền kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo…
Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC hằng năm đã trở thành công cụ quản lý quan trọng, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng bộ, tỉnh; đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như một số ít các bộ, địa phương chưa thực hiện tốt việc tự đánh giá, chấm điểm; kết quả tự chấm điểm chưa đầy đủ tài liệu kiểm chứng, số liệu đánh giá chưa đúng với thực trạng tại bộ, tỉnh; một số nội dung, nhiệm vụ cải cách TTHC chưa thực hiện tốt tại các bộ, là nguyên nhân dẫn đến kết quả Chỉ số thành phần "Cải cách TTHC" giảm đáng kể so với năm 2020 (-3,76%).
Thực tế, vẫn còn một số bộ chưa thực hiện tốt việc công bố, công khai TTHC, không hoàn thành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC và các đối tượng được khảo sát có đánh giá chưa cao về chất lượng TTHC thuộc phạm vi quản lý của một số bộ, cơ quan.
Việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nội dung về công vụ, công chức còn hạn chế, yếu kém, như: Đánh giá về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tác động của CCHC đến chất lượng công chức, viên chức của bộ
Một số địa phương xây dựng Kế hoạch CCHC chưa sát với thực tiễn, có nơi thực hiện còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Về cải cách thể chế, tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật vẫn còn chậm trễ ở một số địa phương; qua khảo sát cho thấy, tính khả thi của các văn bản pháp luật vẫn tiếp tục được đánh giá thấp bởi các đối tượng lãnh đạo, quản lý. Về cải cách TTHC, vẫn tồn tại tình trạng chậm công bố, công khai và cập nhật TTHC tại một số địa phương.
Một số tỉnh, thành phố vẫn còn công khai các quy định TTHC, các mẫu đơn, tờ khai tại văn bản đã hết hiệu lực thi hành, ít nhiều đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi tra cứu tìm hiểu và thực hiện TTHC; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp chính quyền tại hầu hết các địa phương và kéo dài trong nhiều năm, nhất là các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, chính sách người có công.