Bộ cảm biến xét nghiệm nhanh protein và men trong máu

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:54, 22/09/2016

Theo Science Daily, các nhà khoa học ở Đại học York (Canada) đã phát triển một bộ cảm biến mới có thể phát hiện các protein và men trong vài giọt máu nhỏ.

Điều này sẽ giúp đẩy nhanh các quá trình chẩn đoán trong y tế. Chính sự hiện diện của một số protein trong máu có thể cho thấy bị mắc bệnh gì và cần điều trị ra sao. Nhưng thường thì một xét nghiệm chỉ có thể phát hiện ra một loại protein. Khi các bác sĩ ngờ rằng có các tế bào ung thư hay nhiễm trùng kháng thì phải tiến hành đồng thời một vài xét nghiệm, như vậy vừa mất thời gian vừa tốn kém. Nhờ bộ cảm biến sinh học mới hoạt động trên cơ sở ánh sáng và điện, các nhà khoa học sẽ thu thập được một vài chỉ dấu về bệnh tật chỉ trong một mẫu máu ít hơn so với thông thường.

Giáo sư Thomas Krauss, Trưởng khoa Vật lý (Đại học York) khẳng định rằng các xét nghiệm đó cung cấp kết quả nhanh ở chế độ thời gian thực và giá thành rẻ. Sau cảm biến sinh học để xét nghiệm máu, các nhà khoa học chuyển sang nghiên cứu để phát triển cảm biến sinh học xét nghiệm nhanh nước tiểu. Nếu thành công, bộ cảm biến đó cũng sẽ giúp chẩn đoán bệnh nhanh.

Công ty Theranos mới đây từng tung ra mẫu thiết bị xét nghiệm máu tại nhà đã để mắt đến thành tựu trên của các nhà khoa học và công ty khởi nghiệp Thriva ở London (Anh) cũng hứa sản xuất các bộ cảm biến đó.

Vũ Trung Hương