Cá mập voi dài gần 6 mét mắc cạn trên bãi biển Indonesia
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:53, 26/05/2022
Theo truyền thông địa phương, các ngư dân lần đầu tiên nhìn thấy con cá dài 5,8 mét trôi dạt vào bờ hôm 24.5. Họ nhanh chóng kéo nó ra biển và đưa nó ra biển vì cá mập voi là loài được bảo vệ. Tuy nhiên, nó lại mắc cạn một lần nữa vào ngày hôm sau và chết.
Đoạn phim được quay trên bãi biển Kincie, phía sau Trung tâm Y tế Cộng đồng Salido ở Nam Pesisir, tỉnh Tây Sumatra, cho thấy người dân địa phương đang chụp ảnh với xác cá. Evilindo, một lãnh đạo cộng đồng Salido, cho biết: “Ban đầu con cá mập voi vẫn còn sống và di chuyển. Tuy nhiên nó lại trôi dạt vào bờ trong ngày hôm sau”.
Con cá sẽ được chôn cất sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm xác. Mudatstsir, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Tài nguyên biển và Bờ biển Padang (BPSPL), nói với giới truyền thông rằng việc di dời cái xác nặng 1,8 tấn bị cản trở bởi trang thiết bị hạn chế.
“Chúng tôi và cư dân địa phương đã nỗ lực xử lý xác con cá theo quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) bằng cách sử dụng dây thừng nhưng không thành công. Vì vậy, việc di dời xác cá mập voi phải được thực hiện bằng cách cắt nó thành nhiều mảnh”, Mudatstsir nói.
Theo ông Mudatstsir, có hai nguyên nhân phổ biến khiến cá mập voi mắc cạn: đó là nó đang đuổi theo con mồi nên không nhận ra sự nguy hiểm, hoặc nó bị sóng mạnh cuốn tới đó.
Cá nhám voi hay cá mập voi (Rhincodon typus) là một thành viên đặc biệt trong phân lớp Elasmobranchii (cá mập, cá đuối) của lớp cá sụn (Chondrichthyes). Loài này nắm giữ nhiều kỷ lục về kích thước, tiêu biểu nhất là danh hiệu động vật có xương sống không phải thú lớn nhất còn tồn tại.
Cá mập voi thường xuất hiện ở vùng nước mặt thoáng trên các đại dương nhiệt đới và hiếm khi bắt gặp ở những vùng nước có nhiệt độ dưới 21 độ C. Qua các nghiên cứu kỹ lưỡng về loài, ước tính tuổi thọ của chúng là từ 80-130 năm.
Loài cá này sở hữu cái miệng rất rộng và có khả năng lọc thức ăn. Cá mập voi hầu như chỉ ăn sinh vật phù du và cá nhỏ, đồng thời không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với con người. Chúng hiện bị phân loại “nguy cấp” trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.