Trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang

Sự kiện - Ngày đăng : 14:05, 26/05/2022

Viện kiểm sát Nhân dân tối cao vừa có quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan vụ hưởng lợi bất chính hơn 3,8 triệu USD.

Theo đó, ngày 26.5, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan.

Trong vụ án này, ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) bị cáo buộc đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, không phát hiện việc doanh nghiệp trên được giảm giá mua nguyên liệu với số tiền hơn 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Cơ quan công tố cũng yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành giải mật tài liệu liên quan để làm căn cứ giải quyết vụ án. Theo quy định, thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng sau khi nhận được quyết định trả hồ sơ.

caominhquang1.jpg
Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang

Hôm 18.4, Bộ Công an ban hành kết luận và đề nghị truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng 7 bị can khác về các tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo Viện kiểm sát, căn cứ của việc trả hồ sơ nhằm làm rõ hành vi sai phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý dược) trong việc kiểm tra Công ty Dược Cửu Long giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD mà không báo cáo Bộ Y tế.

Ngày 19.5, ông Nguyễn Việt Hùng đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh tại VN Pharma.

Trong kết luận điều tra ban hành ngày 18.4, C03 xác định, vào năm 2005, trước yêu cầu phục vụ phòng chống dịch cúm A (H5N1), Bộ Y tế đã đặt hàng Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và các doanh nghiệp sản xuất thuốc Oseltamivir, giá mua được xác định trên cơ sở giá nguyên liệu đàm phán với nhà cung cấp nước ngoài. Trong trường hợp doanh nghiệp đàm phán được giảm giá nguyên liệu thì cơ quan chức năng sẽ xem xét điều chỉnh giá.

Từ năm 2006, Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long đã được nhà cung cấp nước ngoài giảm giá mua nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD. Tuy nhiên bị can Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa các báo cáo, tài liệu kinh doanh để che giấu và để ngoài sổ sách số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Bên cạnh đó, các bị can còn hợp thức hóa hồ sơ để báo cáo sai sự thật với Bộ Y tế nhằm mục đích giữ lại hơn 3,8 triệu USD. Quá trình điều tra, bị can Hóa và Ngô Hữu Nghĩa (cựu Giám đốc, chi nhánh tại TP.HCM) không thừa nhận việc được giảm giá mua nguyên liệu. Nhưng, căn cứ tài liệu điều tra, các chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra xác định nhóm cựu lãnh đạo doanh nghiệp trên “bỏ túi” hơn 3,8 triệu USD.

Vào thời điểm xảy ra vụ án, ông Cao Minh Quang được Bộ Y tế giao làm trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir. Tuy nhiên, khi phát hiện Dược phẩm Cửu Long giữ lại hơn 3,8 triệu USD mà không báo cáo Bộ Y tế, ông Quang không chỉ đạo các đơn vị kiểm tra làm rõ việc này.

Khi Bộ Tài chính có công văn đề nghị làm rõ các nội dung liên quan số tiền trên, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang vẫn không chỉ đạo thực hiện yêu cầu kiểm tra tại Dược Cửu Long để thu hồi tài sản cho Nhà nước. Quá trình điều tra, bị can Cao Minh Quang thừa nhận hành vi thiếu sót như trên.

P.V