Thúc đẩy việc mở các chuyên ngành đào tạo về an toàn thông tin
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:55, 26/05/2022
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), Bộ TT-TT luôn xác định nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Từ lâu, Việt Nam đã có sự chuẩn bị sẵn sàng với việc ban hành và tổ chức triển khai “Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”.
Đề án đã đạt những kết quả tích cực, góp phần hình thành nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng chất lượng cao, cung cấp cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trên toàn quốc.
Cục An toàn thông tin cũng cho biết đến nay đã hình thành được 20 cơ sở đào tạo đại học về an toàn thông tin trên toàn quốc, cùng nhiều trung tâm, hệ thống đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin theo các chương trình, chuẩn quốc tế.
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 2.500 sinh viên được tuyển sinh, 1.700 kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin tốt nghiệp, chất lượng đầu vào sinh viên an toàn thông tin tại các trường đại học luôn duy trì ở mức cao. Đã có hơn 4.800 sinh viên an toàn thông tin ra trường và công tác tại các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Số lượng sinh viên tuyển mới và ra trường hàng năm sẽ tiếp tục tăng trưởng qua các năm.
Tiếp nối thành công của Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”, ngày 6.1.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” với những mục tiêu, giải pháp đột phá.
Đề án đặt ra mục tiêu đào tạo được 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin và đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ.
Theo đó, Đề án cũng nêu lên một số nhiệm vụ, như tăng chỉ tiêu tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin cho các cơ sở đào tạo về an toàn thông tin. Nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành an toàn thông tin, gắn đào tạo với thực hành, thực tập trong môi trường làm việc thực tế...
Với vai trò là đơn vị chủ trì triển khai Đề án, Bộ TT-TT đã ban hành Kế hoạch thực hiện và thành lập Ban Điều hành triển khai Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”.
Trong thời gian tới đây, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy việc mở các chuyên ngành đào tạo, tăng chỉ tiêu tuyển sinh và nâng cao chất lượng đầu ra sinh viên an toàn thông tin, hướng tới hình thành lực lượng lao động an toàn thông tin Việt Nam chất lượng cao, góp phần bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam, bảo vệ sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.